• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đôi chân kỳ diệu của cô gái da cam

- Tên Facebook của chị Hoàng Lan Hương, tổ 3, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) là “Hương da cam”. Đó như là lời tự bạch ngắn gọn, giới thiệu tên và di chứng mà chị phải chịu đựng từ chất độc hóa học chiến tranh. Chị nói ú ớ, đầu xiêu vẹo, biến dạng, hai tay bị liệt, người mềm oặt, mọi di chuyển đều nhờ vào chiếc xe lăn. Vậy mà thế giới của chị không quẩn quanh, vô vị trong bốn bức tường nhà. Suốt bao năm, chị đã nỗ lực tự mày mò để biết viết, biết đọc, lướt web, vẽ tranh, trồng hoa, thêu thùa, đan lát một cách khéo léo. Tất cả đều nhờ vào đôi bàn chân nhỏ bé, kỳ diệu và một tâm hồn đẹp đầy khát khao, nghị lực.

Khát khao được giao tiếp

Ban đầu, nhiều người gặp chị Hoàng Lan Hương luôn thắc mắc: “Sao không tới trường, không được ai dạy học thế mà chị vẫn có thể biết đọc, biết viết và làm được nhiều điều như thế?”. Những lúc ấy chị thường viết ra giấy trả lời rằng: “Đó là do ông trời thương mình đấy!”. Chị là như vậy, luôn khiêm tốn và dè dặt khi đón nhận bất cứ lời khen ngợi nào.

Được gần gũi với “cô gái da cam” này mới cảm nhận được mong muốn khám phá, giao tiếp với thế giới bên ngoài của chị mãnh liệt như thế nào. Dường như đó là động lực lớn lao để chị có thể làm được những điều kỳ diệu từ đôi bàn chân nhỏ bé. 

 

Chị Hoàng Lan Hương đan mũ len để gửi tặng học sinh miền núi.

Năm nay gần 70 tuổi, vợ chồng ông Lượng, bà Mùi vẫn nhớ như in cảm xúc ngày đầu phát hiện được khả năng của con gái. Bà Mùi kể rằng: “Vào năm lên 10 tuổi, vợ chồng tôi nghe tiếng gọi ú ớ từ phía phòng ngủ. Chúng tôi bước vào thấy Hương dùng ngón cái và ngón trỏ (chân phải) viết rõ ràng tên, tuổi từng người thân trong gia đình. Hai vợ chồng từ ngạc nhiên đến xúc động rồi ôm chặt lấy con gái vào lòng. Thì ra, mỗi lần bố mẹ dạy các em học, Hương đã lắng nghe rồi ngày ngày tự lấy phấn, bút mày mò làm theo. Dần dà, Hương biết đọc, biết viết, làm phép toán một cách thành thạo”.

Rồi có một lần, ông Lượng vô tình đọc được cuốn vở với những dòng chữ nhận xét từng nhân vật trong các bộ phim chiếu trên ti vi. Nào là 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong phim “Thủy Hử” hay nhân vật Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… trong phim “Tây Du Ký”. Từ hoàn cảnh sống, tính cách thiện ác mỗi nhân vật đều được con gái viết tỉ mỉ, rõ ràng. Ông Lượng nhớ lại, dạo đó còn khó khăn, cả phố mới có một vài nhà có ti vi. Cứ chiều chiều khi có phim, Hương lại lăn xe ra cửa... nghe chăm chú rồi tự viết bài bình luận. Ôi! hóa ra cô con gái tật nguyền của ông, không chỉ biết đọc, biết viết mà còn hiểu và cảm nhận sâu sắc được cuộc sống, thế giới xung quanh.

Từ đó, bao nhiêu tiền trợ cấp thương tật hằng tháng, ông Lượng dành mua sách, báo, giấy bút cho con học ngay trên cái xe lăn. Thương con, vợ chồng ông bà chạy vạy tiền mua được cái ti vi đen trắng. Vậy là, thế giới đã đến bên cô con gái bé nhỏ. Hương tự tin sống và sống đẹp. Chị học đan len, đan áo cho em, cho mẹ. Được động viên khen ngợi, chị hạnh phúc, cố gắng rèn luyện để rồi chỉ bằng đôi bàn chân, “cô gái da cam” đã làm được bao điều đáng ngưỡng mộ!

Được sống trên đời là một món quà…

Bà Mùi - mẹ của chị kể lại rằng, cô con gái đầu lòng Hoàng Lan Hương khi mới sinh ra xinh tươi, lành lặn. Thế nhưng ba tháng không biết lẫy, bảy tháng chẳng biết bò, tới chín tháng tuổi, con mới gượng lật được cái đầu. Một tuổi, con vẫn chỉ lớn bằng đứa trẻ ba tháng. Ông bà hớt hải đưa con về Bệnh viện Nhi Trung ương rồi chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Tháng sau đành trở về nhà theo lời khuyên bác sĩ: Hãy gắng chăm sóc cho cháu khỏe, chứ không thể điều trị trở lại bình thường được vì cháu đã nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Ông Lượng từng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, là thương binh và bị nhiễm chất độc hóa học chết người ấy. Ngày ngày, bế con trên tay, nhìn hình hài bé nhỏ, co quắp trái tim ông xót xa, quặn thắt. Giá như có thể giúp con chịu đựng được hết thảy những đớn đau, thiệt thòi; giá như có thể có được một tia hy vọng, một phương thuốc cứu chữa, dù có tốn kém, ông sẵn sàng làm tất cả. Cái tàn khốc, độc ác của chiến tranh những tưởng không còn vậy mà giờ đây lại hiện hữu trong căn nhà ông. Ông thương vợ, thương con, thương mình vô bờ bến!

Thấu hiểu được nỗi lòng, cô con gái hiền lành, lầm lũi, cố gắng từng ngày để làm bố mẹ vui và tự hào. Chị luôn tự nhủ rằng, con người được sinh ra và sống trên đời là một món quà. Chúng ta phải đón nhận và trân trọng món quà đó!

Vậy là ngày tháng đi qua chị đều cố gắng rèn luyện, học tập. Bằng đôi chân của mình, chị tự mày mò học vẽ, học đan, móc khăn, mũ áo, thêu thùa nhiều kiểu cách. Để làm được những điều đó đối với người bình thường đã khó còn với chị thì khó gấp trăm lần. Chị tâm sự rằng, có lúc đam mê quá mải làm đến mức chân mỏi chuột rút, bàn chân càng co quắp lại, đau đớn. Chưa kể những ngày “trái gió trở trời”, đôi chân tê dại, nghỉ ngơi một lúc lại làm tiếp. Vừa làm vừa động viên mình! Và rồi những tác phẩm ưng ý ra đời khiến chị say mê, nhiệt huyết hơn.

 

Bình hoa lụa do đôi bàn chân chị Hoàng Lan Hương làm.

Bộ tranh chị thêu kỷ lục nhất là dài hơn 1 mét, rộng 80 phân với tựa đề “Sơn thủy hữu tình”. Tranh có dòng sông, cánh buồm, thác nước và núi… tất cả đều hài hòa, trữ tình và thật đẹp. Tác phẩm được treo ngay tại phòng khách. Chị còn biết vẽ tranh nhưng chị thích nhất là ký họa chân dung. Chị vẽ gương mặt của bố, của mẹ, các em và đặc biệt chị vẽ cả chính mình bằng sự nâng niu, trân trọng. Xem tranh chị tự họa, tôi nhìn thấy hình ảnh cô gái ngồi xe lăn co quắp, chân khoèo, mặt nhìn nghiêng xương xương nhưng ẩn chứa là nụ cười tươi tắn và đôi mắt đầy nghị lực, khao khát.

Đôi chân thời 4.0

Hàng xóm thường nói vui rằng, chị Hương là người cập nhật công nghệ thông tin tiến bộ nhất xóm. Cách đây 15 năm chị đã sử dụng thành thạo máy tính, viết email, lướt web. Còn giờ đây bằng chiếc điện thoại Smartphone chị lướt mạng xã hội Facebook, Zalo, đọc báo… tìm hiểu tin tức chia sẻ với mọi người. Chị xem những video hướng dẫn cắt tỉa, thêu thùa, đan móc… để học hỏi và hoàn thiện tác phẩm của mình hơn.

Xem trang Facebook nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ khi được chiêm ngưỡng hình ảnh mà chị đăng tải. Đó là những tác phẩm nghệ thuật do bàn chân chị làm ra: bức tranh thêu, tranh vẽ; chiếc mũ, áo len, giày len nhỏ xinh; bông hoa nghệ thuật được tỉa từ củ quả… Chị viết những tâm sự, sẻ chia đầy ý nghĩa “Luôn hướng về mặt trời, cho dù cuộc đời có tối tăm đến đâu thì ánh sáng của mặt trời vẫn sẽ soi sáng, đem những điều tốt lành đến cho những cuộc đời kém may mắn!”, “Chân ơi mày đừng đùa với tao như thế chứ… tao sẽ không chịu thua đâu, không bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh hay khó khăn!”...

Đặc biệt, chị thường làm hoa, đan mũ len, khăn len… rồi mang tặng mọi người. Những năm gần đây nhờ Facebook chị kết nối với nhiều đoàn thiện nguyện để gửi tặng mũ len cho trẻ vùng cao. Bà Vũ Việt Lan, Trưởng Nhóm Thiện nguyện Hà Nội - Sài Gòn chia sẻ, những năm gần đây Hương thường liên lạc để gửi mũ len đến cho các em nhỏ vùng cao ở Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn... Mỗi lần Hương thường gửi 30 - 40 chiếc mũ len. Đây là những món quà đặc biệt, ý nghĩa từ cô gái khuyết tật giàu lòng nhân ái. Được biết, một chiếc mũ len ban đầu Hương làm mất 1 tuần, giờ đây thao tác quá thành thục, Hương vừa làm vừa nghỉ (vì mỏi chân) nhưng chỉ mất 2 - 3 ngày.

Bà Mùi tự hào về cô con gái cả lắm! Bà khoe rằng: “Nói thật, nhiều lúc tính toán tôi còn thua con đấy. Thế nên từ bao lâu nay, Hương chính là “tay hòm chìa khóa” của gia đình. Vợ chồng có lương về là mang cho con gái quản lý, khắc tính toán chi li từ việc chi tiêu, mua sắm, sửa sang nhà cửa”.

Càng nghe chuyện về chị, tôi càng thấy Hương có một bộ óc hoàn toàn tỉnh táo, thông minh, một tấm lòng nhân ái, yêu thương quý trọng mọi người. Xem phim trên truyền hình xong, Hương viết nhận xét hết sức xác đáng, khách quan về những nhân vật chính. Ngó thấy những tệ nạn xã hội qua ti vi, Hương bức xúc viết ra giấy: "Cánh này không bằng mình, vì họ đã bị tật nguyền trong tâm hồn...".

Tâm hồn chị Hương thật đẹp và đầy nghị lực. Ban đầu khi tôi ngỏ ý viết báo, chị một mực từ chối vì nhận thấy những việc mình làm chưa có gì để nói. Thế nhưng khi tôi nhắn tin: “Em mong rằng khi độc giả đọc được câu chuyện của chị, sẽ “lan tỏa”, góp phần thức tỉnh, truyền lửa cho nhiều người. Không chỉ những người khuyết tật mà cả những con người bình thường”. Vậy là, chị đồng ý ngay với hy vọng câu chuyện cuộc đời mình sẽ “truyền lửa”, giúp nhiều người tự tin và nỗ lực, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn!

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 518
Hôm qua : 472