• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chúng tôi đã có một thời hoa lửa khó quên

45 năm sau Ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975 – 30-4-2020), nhưng những ký ức hào hùng của một “thời hoa lửa” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm xưa. Với họ, được cống hiến tuổi thanh xuân cho tổ quốc, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tự do cho đất nước là niềm tự hào và cũng là những hồi ức không thể nào quên.

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, lịch sử còn ghi mãi về nghệ thuật lừa địch của QĐND Việt Nam, tạo thế tiến công, góp phần làm xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo tiền đề cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó là trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Chúng tôi cùng trò chuyện với CCB Nguyễn Đức San, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), nguyên Đại đội trưởng đại đội pháo chống tăng 85 milimet, trong trận tiến công khu kho Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột, mở màn chiến dịch Tây Nguyên. 

Chiếc khăn lụa, kỷ vật mang về từ chiến trường của CCB Nguyễn Đức San, xã Lưỡng Vượng.

Ông San nhớ lại: "Chiều ngày 9-3-1975, chúng tôi bắt đầu hành quân chiến đấu. Từ rừng Đắc Đan cách thị xã Buôn Mê Thuột 30 km về phía Tây Nam, đơn vị chúng tôi đi theo đường công binh mở xuyên rừng trong đêm. Đơn vị gồm 3 xe (2 xe kéo pháo, xe còn lại chở đạn). Đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, gặp đường mòn, đơn vị công binh hoàn thành nhiệm vụ mở đường, đơn vị pháo tự tìm đường chiếm lĩnh trận địa. Xem bản đồ phía trước là ngã ba, bên trái đi vào giữa trung tâm thị xã, bên phải chạy song song với thị xã. Tôi quyết định đi bên phải, đi khoảng 3 km, chúng tôi gặp 1 tòa nhà 3 tầng cao, dài, cách đường chừng 150m. Đi gần hết tòa nhà, phát hiện có địch dưới chân tường căn nhà. Tôi lệnh cho xe tăng tốc vượt qua. Đi chừng 50m, có khu bãi đất trống, nhìn được toàn cảnh thị xã Buôn Mê Thuột, tôi lệnh quay xe cắt pháo, khẩu đội 1 quay pháo bắn thẳng địch ở chân tường tòa nhà; khẩu đội 2 bắn các hỏa điểm địch khu kho Mai Hắc Đế. Sau 1 hồi bắn, chúng tôi tiêu diệt một số tên địch, những tên sống sót chạy vào thị xã. Tôi lệnh khẩu đội 1 quay pháo vào khu kho Mai Hắc Đế cùng khẩu đội 2 tiêu diệt lần lượt các hỏa điểm, toán địch tập trung. Anh em phát hiện có 12 xe để trong nhà xe, tôi nói anh em không bắn, để sau này thu hồi". Những ngày sau đó, đơn vị ông San tiếp tục chi viện đắc lực cho đơn vị bộ binh phối thuộc.

Những bức ảnh và kỷ niệm chiến trường

Mỗi dịp 30-4 về, trong lòng CCB Nguyễn Thế Liêm (lính trinh sát Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, người tham gia trận chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh), phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) lại trỗi dậy nỗi bồn chồn khó tả. Có lúc ông đứng lặng bên tấm ảnh kỷ niệm treo trang trọng trong phòng khách, ánh mắt bâng khuâng. Đó là bức ảnh các chiến sỹ giải phóng quân đang ôm súng cơ động tiến công trên đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, bên cạnh là những chiếc máy bay Mỹ tơi tả trong làn khói lửa bốc cao nghi ngút. Những người trong bức ảnh đó là chính ông và 4 người đồng đội của mình trong buổi sáng ngày 30/4/1975 lịch sử. Hình ảnh sục sôi 45 năm trước lại hiện về.

"Sáng 30/4, Tiểu đoàn 5 chúng tôi cơ động theo đường Võ Tánh để đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất theo cổng số 5 có nhiệm vụ chiếm sân bay và bảo vệ Phái đoàn quân sự 4 bên của ta vẫn còn ở trong sân bay. Khi qua Lăng Cha Cả, chúng tôi bị địch chống cự dữ dội, các loại hỏa lực bắn vào ta xối xả, ba xe tăng ta bị cháy dồn lại một chỗ, địch dùng cả pháo bắn thẳng bắn vào đội hình ta. Cán bộ của các đơn vị ùa vào bảo vệ phái đoàn.

Tổ trinh sát chúng tôi nhận lệnh tiếp tục vận động về hướng Tây sân bay nơi khói lửa và tiếng súng đang rộ lên. Đang vận động, có một người mang quân phục giải phóng, mang súng, đeo máy ảnh tới. Anh lại gần chúng tôi, hỏi “Các đồng chí đơn vị nào đấy?”. Có tiếng ai đó trả lời gói gọn: “E24, F10 đây!”. Anh nói “Cho tôi đi cùng nhé!” Trung đội trưởng chúng tôi trả lời: “Nhất trí!”. Thế là anh phóng viên nhập cuộc. Anh vừa cơ động theo đội hình, vừa tìm vị trí bấm máy ảnh. Sau ngày giải phóng, đơn vị chúng tôi ở lại sân bay củng cố lực lượng. Một ngày của tháng 5-1975, tôi đọc tờ báo Quân đội Nhân dân viết về ngày chiến thắng, nhìn tấm ảnh in hình bộ đội đang ôm súng cơ động tiến công trên mặt sân băng lại chính là mũi đột kích của chúng tôi, gồm 5 người, tôi là người đi cuối cùng. Tác giả bức ảnh chính là người lính đã xin đi cùng với mũi tiến công của chúng tôi sáng 30-4. Anh là nhà báo TTXVN, nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành. Bức ảnh đó sau này trở thành biểu tượng chiến thắng của QĐND ta trên sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời cũng là một trong những biểu tượng của chiến thắng mùa xuân năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước".

Ký ức không thể nào quên đối với ông Liêm chính là giây phút đơn vị được anh chính trị viên đại đội reo to thông báo: “Chúng mày ơi! Hòa bình rồi, hòa bình rồi!". Anh em đơn vị ôm nhau vui sướng reo lên. Đồng hoạt chĩa thẳng nòng súng lên trời bấm cò. Lúc đó khoảng hơn 11h30 phút ngày 30-4-1975.

 TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 271
Hôm qua : 579