• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị tướng kể chuyện mở đường bí mật trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975

Để mở con đường bí mật phục vụ chiến dịch Tây Nguyên (3/1975), bộ đội Trường Sơn chia thành từng nhóm nhỏ, cưa sát gốc cây nhưng phải để lại 1 phần cho cây khỏi đổ, tránh bị địch phát hiện,...

 Nhân kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2020), phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Võ Sở (91 tuổi), nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.Trong Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975), ông Sở là Phó Chủ nhiệm Chính trị, Đảng ủy viên Bộ Tư lệnh Trường Sơn, là phái viên đốc chiến trên chiến trường (cấp bậc thượng tá).

Thiếu tướng Võ Sở trò chuyện với phóng viên Dân trí.

Thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương phục vụ chiến dịch Tây Nguyên

Ông Sở kể, để trực tiếp phục vụ chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương. Phó Tư lệnh Nguyễn Lang được phân công phụ trách Bộ Tư lệnh tiền phương. Ông Lang còn được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ định làm Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, đặc trách công tác hậu cần, kỹ thuật.

Trong chiến dịch Tây Nguyên có nhiều đơn vị bộ đội tham gia, đơn vị của ông Sở có 3 sư đoàn, gồm: Sư đoàn công binh 470; Sư đoàn bộ binh 968 và Sư đoàn ô tô 471.

Thực hành mệnh lệnh của Bộ, Sư đoàn 470 được giao nhiệm vụ vừa vận chuyển chi viện chiến lược, vừa bảo đảm phục vụ chiến dịch Tây Nguyên và là lực lượng tác chiến tại chỗ của chiến dịch. Sư đoàn bộ binh 968 quân tình nguyện Việt Nam tại Hạ Lào, trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, khẩn trương cơ động về Bắc Tây Nguyên, tác chiến trên một hướng chiến dịch. Sư đoàn ô tô 471 dâng toàn bộ đội hình sâu vào phía Nam, vừa vận chuyển chi viện chiến lược, vừa vận chuyển phục vụ chiến dịch. Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn thành lập thêm hai trung đoàn công binh (574 và 575) để mở gấp đường chiến dịch, bảo đảm cơ động bí mật bất ngờ xe tăng, pháo hạng nặng theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Tháng 6/1974, theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập các sư đoàn binh chủng. Theo đó, Sư đoàn khu vực 471 và Sư đoàn khu vực hậu cứ 571 chuyển thành hai sư đoàn vận tải ô tô.

"Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử tổ chức quân đội ta, nếu không nói là chưa có tiền lệ cả với những cường quốc quân sự trên thế giới" - ông Sở kể lại.

Chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, theo yêu cầu của Bộ, Sư đoàn 471 huy động tổng lực phương tiện cơ động gấp toàn bộ đội hình Sư đoàn 316 cùng toàn bộ binh khí kỹ thuật vào Tây Nguyên tập kết quanh đường số 19, bảo đảm tuyệt đối bí mật an toàn. Thành công của việc cơ động Sư đoàn 316 đã tạo tiền đề để chúng tôi tổ chức lực lượng cơ động Sư đoàn 968 từ Hạ Lào về Pleiku (Gia Lai), Kon Tum thay chân Sư đoàn 10 tác chiến nghi binh ở hướng Bắc chiến dịch. Tiếp đó, ngày 4/3/1975, Sư đoàn 471 tổ chức lực lượng, bí mật cơ động vào vị trí tập kết chiến dịch, chuẩn bị tiến công Đức Lập; chuyển hơn 100 tấn đạn pháo lớn theo lưng bộ đội vào tới tận trận địa pháo, kịp giờ "G” phát hỏa mở màn chiến dịch.

"Để đảm bảo kịp thời yêu cầu vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng tham gia chiến dịch, tôi cùng các anh trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định cho xe chạy lấn sáng, lấn chiều, nhưng tuyệt đối phải đảm bảo bí mật. Riêng các đêm 6 và 7/3/1975, khi chuyển hàng giao tại những điểm gần địch, lái xe phải tắt đèn, đi mò trong đêm", vị tướng 91 tuổi kể tiếp.

Cắt cây mở đường nhưng không được để cây đổ

Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo chiếm các đỉnh cao ở Pleiku. (Ảnh/TTXVN).

Thiếu tướng Võ Sở kể tiếp, xen kẽ những ngày đốc chiến tại Sư đoàn 471, ông sang nắm tình hình mở đường chiến dịch từ nam Đức Cơ xuống Chư M'nga của các trung đoàn 574, 575. Trên hướng Bắc Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 575, do các ông Nguyễn Văn Châu và Nguyễn Văn Liễu chỉ huy, khẩn trương khôi phục các trục đường 48, 50.

Từ giữa tháng 2/1975, Trung đoàn tiếp tục mở một trục dọc gồm đường 50B và hai nhánh là đường 50C, 50D. Tổng chiều dài trục đường này lên tới gần 60km. Đa phần đường mới mở đi sát đồn điền cao su của các chủ tư bản Pháp trước đây. Vào gần thị xã Buôn Ma Thuột địa hình trống trải, dân cư đi lại nhiều, yêu cầu giữ bí mật được đặt lên hàng đầu. Khi đường mở vào cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 20km, chỉ huy trung đoàn được lệnh cho bộ đội tạm dừng, chuẩn bị vật liệu, phương tiện để khi có lệnh là hoàn tất quãng còn lại trong một ngày đêm.

Đại biểu dự Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn tháng 2/1976 (Trong ảnh, ông Sở bên trái ngoài cùng, hàng đầu).

"Chính thời gian này, anh em công binh đã bí mật, khôn khéo tổ chức thành từng nhóm nhỏ, cưa cắt sát gốc những cây to dọc trục đường sẽ mở, chỉ để lại một phần cho cây khỏi đổ; đào đặt sẵn lượng nổ cần thiết vào những gò đống phải phá... Tất cả sẵn sàng chờ lệnh thông đường" - ông Sở nhớ lại.

Ông kể tiếp, dốc hết khả năng, phát huy cao độ trí tuệ, tính tổ chức kỷ luật cao, đến ngày 4/3, trục đường do Trung đoàn 575 từ hướng Bắc đã vào đến bản Sở Hia, Chữ M'nga cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 20km mà kẻ địch không hay biết gì.

"Để có được kết quả đó, cũng phải kể đến sự ưu ái của núi rừng Trường Sơn. Đúng là "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Dưới những tán rừng lặng lẽ là cả một chiến dịch ra quân của mấy chục nghìn quân, mấy nghìn xe ô tô, pháo lớn. Núi rừng Trường Sơn đang ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng, to lớn mà đối phương không thể nào hình dung nổi" - vị tướng già rưng rưng kể.

Qua theo dõi, kiểm tra của Tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn, toàn bộ công tác chuẩn bị, bảo đảm vật chất kỹ thuật, cầu đường..., Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 30% trước 3 ngày so với thời gian quy định. Đặc biệt, do chủ động chuẩn bị tốt khi được lệnh mở tiếp các trục đường còn lại như dự kiến Trung đoàn 575 đã dồn lực tổ chức thi công suốt ngày đêm. Đúng 23h ngày 9/3, Trung đoàn đã khai thông trục đường 50B, hai nhánh 50C, 50D và tổ chức xong lực lượng hộ tống xe cùng binh khí kỹ thuật.

Sau chiến dịch Tây Nguyên, ông Sở tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. (Trong ảnh là: Đường Trường Sơn trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975).

"Là người chủ trì tiền phương Bộ Tư lệnh trong "đêm trước" của chiến dịch, sau khi gọi điện báo cáo kết quả công tác chuẩn bị cũng như đánh giá của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, với anh Đồng Sĩ Nguyên và anh Lê Xy, anh Nguyễn Lang không giấu nổi vui mừng. Niềm vui ngập tràn cơ quan Bộ Tư lệnh phương, làm vơi đi tâm trạng bồn chồn, thấp thỏm của chúng tôi, bởi giờ mở màn chiến dịch Tây Nguyên đang đến gần" - ông Sở nhớ lại.

Đúng 2h3' ngày 10/3, quân ta bắt đầu tiến công Buôn Ma Thuột. Đúng 11h trưa 11/3, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được kéo lên trên cột cờ của Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận đánh then chốt mở đầu thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên.

Theo dantri.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 97
Hôm qua : 634