• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi người lính viết văn

Năm tháng “vào sinh ra tử” trên chiến trường đã để lại bao nhiêu ký ức, khát vọng trong mỗi người lính. Để rồi hòa bình trở lại, kỷ niệm ấy lại được tái hiện sinh động qua những tác phẩm văn chương đặc sắc. Những người lính xứ Tuyên đã từng cầm súng đánh giặc, giờ viết văn - mỗi người có một phong cách riêng nhưng tựu chung là sự từng trải, ý chí can trường, khát vọng hòa bình, tự do cháy bỏng qua mỗi trang viết.

  Trên văn đàn xứ Tuyên có rất nhiều nhà văn từng đi qua trận mạc viết về ký ức chiến trường như: Trịnh Thanh Phong, Đỗ Anh Mỹ, Mai Thái Sơn, Bùi Quang Khánh, Tạ Ngọc Dũng, cố nhà văn Nguyễn Trọng Hùng,... Bên cạnh những trang viết tái hiện sinh động những trận chiến ác liệt hào hùng, nhiều tác giả đề cập đến số phận con người tiền tuyến và hậu phương một cách sinh động. Đặc biệt, những tác phẩm chân thực về nỗi đau, sự mất mát thời hậu chiến khiến người đọc lặng người qua những trang viết. 

Nhà văn Mai Thái Sơn bên góc sáng tác.

  Thời trẻ, cố nhà báo, nhà văn Nguyễn Trọng Hùng hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho chiến đấu vì độc lập, thống nhất đất nước. Những năm tháng gian lao nhưng đầy ắp nghĩa tình ấy đã rèn luyện cho ông trở thành một con người đầy ý chí, nghị lực. Hầu hết trên các trang viết của mình tác giả luôn dành sự tin yêu, tình cảm đặc biệt cho mảnh đất miền Nam nơi ông từng sống và chiến đấu.

  Tiểu thuyết Lục bình đỏ hướng đến kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiểu thuyết được chia làm 17 chương, qua mỗi chương tác giả đưa người đọc đến với những hồi ức chiến tranh. Ở đó những người con miền Bắc vào giải phóng miền Nam nguyện ý chí “Sinh Bắc, tử Nam”, coi cái chết nhẹ tựa “lông hồng”. Ở nơi sự sống cận kề cái chết đã khẳng định bản lĩnh và ý chí kiên cường của người chiến sỹ cách mạng. Một cuộc sống, chiến đấu anh dũng, rất đỗi bình dị làm nên biểu tượng “Lục bình đỏ” thiêng liêng.

  Đặc biệt ở những chương cuối, tác giả tái hiện lại thời khắc lịch sử hào hùng ngày 30-4 năm 1975. Tiếng hô thắng rồi! thắng lớn rồi! Giây phút hạnh phúc, sung sướng tột độ: “Chúng tôi không ai ngủ, cứ ra ra vào vào. Tôi bảo Túc: “Tao nhớ mẹ quá! Bây giờ cho tao đi bộ, tao về liền”. Hai thằng ôm nhau khóc. Anh Hạp, anh Thắc nhìn chúng tôi cũng khóc nốt”. Cuốn sách đoạt giải ba cuộc thi sáng tác về chủ đề 40  năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao giải năm 2015.

  Nhà văn Trịnh Thanh Phong từng là một người lính, tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào những năm 70 của thế kỷ trước. Vốn xuất thân từ nông dân, dù đã xuất ngũ, ông vẫn giữ nguyên những phẩm chất đáng quý của anh bộ đội Cụ Hồ, trở thành chiến sỹ hăng hái trên mặt trận văn hóa. Trịnh Thanh Phong viết về chiến tranh ở một cái nhìn đa chiều và sâu sắc. Đọc Vợ chồng với một người trở về, Chiến tranh vẫn còn trong đời chị, Vết thương thời bình, Đất cánh đồng chum... độc giả được trải lòng với nhiều cung bậc cảm xúc ở những trang viết đậm chất nhân văn.

Những tập sách của các tác giả xứ Tuyên
từng là người lính.

  Từng là chiến sỹ tình nguyện trên đất bạn Lào nên Trịnh Thanh Phong viết Đất cánh đồng Chum thật sinh động. Hình ảnh người lính trong cuốn tiểu thuyết được khắc họa chân thực với tâm trạng đa dạng. Có những người lính dũng cảm, coi thường cái chết, hết lòng vì đồng đội như: Thu, Thắng, Doanh, Cần... Nhưng cũng có những người lính hôm nay là dũng sỹ, ngày mai đã đầu hàng trở thành kẻ đảo ngũ. Nhân vật Cần, sau khi sang đến đất bạn, và tự mình trải nghiệm cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra ở đây, anh mới hiểu thêm được rất nhiều điều mà trước đây chưa hề biết. Hóa ra trong chiến tranh, dù thắng hay thua, thì “máu người cũng tắm đẫm cỏ cây, đất cát”. Không những chiến đấu với kẻ thù, người lính còn phải chiến đấu ngay với bản thân mình, để có thể vượt qua được những phút yếu lòng khi chứng kiến cái chết chồng chất, thê thảm. Tác phẩm từng được trao giải thưởng văn học Đông Dương “Sông MeKong” năm 2009.

  Là người quen với trận mạc, gắn bó với cây súng trong những năm tháng bom đạn ác liệt, trang viết của Mai Thái Sơn nghiêng hẳn về chiến tranh và người lính. Đến với tập truyện ngắn “Phố núi”, người đọc không bắt gặp những trang “tả trận”, những dòng “nóng bỏng hơi thở của cuộc chiến” mà vẫn cảm nhận được sự khắc nghiệt tột độ của nó. Và trong sự khắc nghiệt ấy hiện lên sâu thẳm tình người - tình đồng chí, tình quân dân. Tất cả là mạch nguồn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hầu hết sáng tác của ông.

  “Phố núi” là tập sách gồm 11 truyện ngắn, trong đó có tới 8 truyện là viết về người lính. Tất cả đều thấm đẫm tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc che chở nhau giữa người với người lúc gian lao, nguy khó. Ngay từ tựa đề những tác phẩm đều chứa đựng sự chân thực, mộc mạc như tình cảm vốn có. Đó là: “Mẹ Đàn”, “O Ân”, “Hương Hải Đường”, “Duyên thổ cẩm”... Đa số đều được tác giả sử dụng cách dẫn truyện theo diễn biến trình tự thời gian, lối viết mạch lạc, giọng văn giản dị thâm trầm.

  Tiếp nối mạch nguồn về đề tài chiến tranh, cây viết trẻ Tạ Ngọc Dũng tạo nên sự mới mẻ trên văn đàn xứ Tuyên với giọng văn tươi mới. Nhiều tác phẩm của anh được đăng trên Báo Văn nghệ Quân đội và được Truyền hình Quốc phòng chuyển tải thành vở kịch ngắn phát sóng trong chương trình “Chuyện kể ở đại đội”. Tạ Ngọc Dũng có một vốn sống và sự hiểu biết cặn kẽ về quân sự, thế nên nhiều trận chiến, địa danh được anh tái hiện một cách chân thực. Tác phẩm của anh thường có cái kết có hậu.

  Bên cạnh việc khắc họa ác liệt chiến tranh, Tạ Ngọc Dũng đề cập nhiều đến nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Họ đồng cam cộng khổ nơi chiến trường và khi hòa bình lập lại, tình cảm ấy vẫn bền chặt sắt son. Đọc truyện ngắn như: Tiếng đò, Người không có tên trong danh sách trung đoàn, Nơi đầu nguồn con sông... độc giả cảm nhận được ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong mỗi tác phẩm.

  Qua các tác phẩm, mạch nguồn văn chương trong mỗi người lính luôn nối tiếp. Trong những ngày này, cả nước đang hướng tới kỷ niệm “45 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, những thế hệ hậu sinh sẽ luôn trân trọng và nâng niu “hồi ức lịch sử” của người đi trước để thêm yêu quý hòa bình hôm nay.

TQĐT


Nguồn:thanhphotuyenquang.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 39
Hôm qua : 585