• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy ở các chợ

Đã hơn 13 năm trôi qua nhưng trong tiềm thức của nhiều người, nhất là các tiểu thương không quên được vụ cháy chợ Chiêm Hóa. Sau vụ cháy, nhiều hộ kinh doanh phải rơi vào cảnh khốn cùng. Bài học về phòng cháy, chữa cháy ở các chợ vẫn luôn là cấp thiết. Nhưng ở các chợ, công tác phòng và chữa cháy ở nhiều nơi chưa được coi trọng.

Chợ Tam Cờ (thành phố Tuyên Quang) có tổng diện tích 17.000m2 và 500 hộ kinh doanh lớn nhỏ, lưu lượng người thường xuyên trong chợ từ 2000 đến 3000 người. Hàng hóa trong chợ đa dạng, có nhiều loại hàng hóa dễ gây cháy nổ như bông vải sợi, giày dép, hàng hương, vàng mã… Những năm gần đây, hệ thống phòng cháy chữa cháy từng bước được đầu tư. Chợ đã được trang bị 350 bình phòng cháy, chữa cháy, 24 cuộn dây chữa cháy. Ở tất cả 4 nhà đình đều có các họng nước cố định. Chợ cũng đã có bể chứa nước dung tích 150m3. Hệ thống điện được tách riêng làm 2 nguồn điện. Ngoài ra, chợ cũng đã được trang bị các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy khác như thang tre, thang nhôm, câu liêm, chăn chiên, biển tiêu lệnh phòng cháy…. 

 

Anh Nguyễn Văn Trường, Trưởng Ban Quản lý chợ Trung Môn (Yên Sơn) hướng dẫn hộ kinh doanh trong chợ sử dụng bình chữa cháy mini.

Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy của chợ Tam Cờ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý chợ thành phố cho biết, hiện nay, chợ vẫn chưa được trang bị hệ thống báo cháy tự động. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của người dân, các hộ kinh doanh trong chợ chưa cao. Việc sử dụng củi lửa, bếp của các hộ kinh doanh trong chợ còn tùy tiện. Nhiều hộ còn lấn chiếm đường đi và che lấp các thiết bị phòng, chữa cháy, đường thoát nạn trong chợ.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các nhà đình trong chợ đều có biển báo, nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy. Các thiết bị và phương tiện phòng, chữa cháy được đặt ở vị trí thoáng đãng, thuận tiện cho việc ứng cứu khi có cháy. Tuy nhiên, mặc dù đã có biển cấm bày bán hàng hóa và các dụng cụ khác tại các địa điểm này nhưng các hộ kinh doanh vẫn để rất nhiều hàng hóa, dụng cụ che lấp cả các các phương tiện phòng, chữa cháy.

Chợ An Phú, phường An Tường (thành phố Tuyên Quang) được khai thác và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Chợ hiện có 1 nhà đình với trên 50 hộ kinh doanh trong chợ. Tại đây cũng đã được trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, có phương tiện báo cháy tự động. Tuy nhiên, trong chợ ý thức chấp hành quy định về phòng, chữa cháy chưa nghiêm. Hàng hóa vẫn để che lấp các phương tiện phòng, chữa cháy.

 

Khu vực để các phương tiện, thiết bị phòng, chữa cháy của chợ Tam Cờ dù có biển báo cấm nhưng vẫn bị các hộ kinh doanh lạm dụng để các dụng cụ khác

Tại chợ Trung Môn, xã Trung Môn (Yên Sơn) hiện có 33 hộ đang kinh doanh trong chợ. Mỗi ki ốt hiện đã được trang bị một bình chữa cháy mini và hàng năm đều được tập huấn, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy. Xã Trung Môn đã đầu tư bể chứa nước ngầm phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Nhưng theo anh Nguyễn Văn Trường, Trưởng Ban Quản lý chợ, hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện nay của chợ chưa đáp ứng được yêu cầu và quy định. Anh đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương dành nguồn vốn để đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo. Nhưng do nguồn kinh phí quá lớn nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo anh Trường, chợ Trung Môn là chợ trung tâm lại gần đường quốc lộ, số hộ kinh doanh khá lớn. Do vậy có nguy cơ xảy ra cháy cao. Anh Trường cũng mong muốn, để có kinh phí đầu tư cho hạ tầng của chợ khang trang hơn, huyện cần có cơ chế, chính sách giao khoán cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đứng ra đầu tư, thầu khoán. Có như vậy hệ thống hạ tầng của chợ nói chung và hệ thống phòng cháy, chữa cháy mới được đầu tư đảm bảo theo quy chuẩn. Bà Đặng Thị San, một trong các hộ kinh doanh buôn bán tại chợ Trung Môn bày tỏ, những ngày mưa gió, sấm chớp, bà đều nghỉ bán hàng ở chợ vì rất sợ có cháy nổ xảy ra. Bà mong muốn có hệ thống phòng cháy, chữa cháy đảm bảo để những hộ buôn bán như bà yên tâm kinh doanh tại chợ.

 

Khu vực để các phương tiện, thiết bị phòng, chữa cháy của chợ An Phú dù có biển báo cấm nhưng vẫn bị các hộ kinh doanh lạm dụng để các dụng cụ khác.

Toàn tỉnh hiện có 99 chợ, trong đó, chợ hạng 1 có 1 chợ, chợ hạng 2 có 2 chợ, còn lại là chợ hạng 3. Các chợ hạng 3 hiện nay đều thuộc quản lý của UBND cấp xã. Từ thực tế trên cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy ở chợ nhiều nơi còn hạn chế, chưa được quan tâm. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí lớn nên chính quyền địa phương chưa bố trí được kinh phí. Nhưng bên cạnh đó là sự lơ là, chủ quan của người đứng đầu chính quyền cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy chợ. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy ở chợ của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được thường xuyên.

Vì vậy, nhằm làm tốt công tác phòng, chữa cháy ở các chợ, chính quyền địa phương cần có sự kêu gọi nguồn vốn để bố trí kinh phí đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy ở chợ. Đồng thời phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ phụ trách và các lực lượng tham gia vào công tác này. Cấp ủy, chính quyền, Ban quản lý chợ cần thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong công tác phòng, chữa cháy; coi trọng lãnh đạo tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các hộ sản xuất kinh doanh ở chợ nông thôn có ý thức tự giác, chủ động phòng, chữa cháy.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 147
Hôm qua : 597