• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiểu thương nỗ lực vượt khó trong đại dịch

Sự bùng phát kéo dài và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã khiến nhiều tiểu thương gặp không ít khó khăn. Không ít cửa hàng đã phải đóng cửa tạm thời, nhiều người tìm hướng mới trong kinh doanh như bán hàng trên các trang mạng xã hội, phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà, mở rộng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản...

Phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán với trên 1.100 hộ. Dạo quanh khu vực chợ Tam Cờ những ngày này có thể thấy không khí mua bán khá ảm đạm. Nhiều mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, dịch vụ ăn uống tại chỗ đã đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng dịch. Chị Phạm Thị Hương, tiểu thương kinh doanh mặt hàng hoa quả tại chợ Tam Cờ cho biết, chị đã tiến hành phun khử khuẩn, cam kết không bán hàng trực tiếp tại cửa hàng để bảo đảm an toàn. Đối với những khách hàng có nhu cầu mua hàng, chị sẽ đóng gói và thuê người giao hàng tận nơi và khuyến khích khách hàng chuyển khoản. Thực hiện Cuộc vận động “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang”, chị nhập và bán các sản phẩm nông sản địa phương như cam sành, bưởi, măng khô...

Tiểu thương chợ Phan Thiết luôn cố gắng giữ ổn định giá cả các mặt hàng trong mùa dịch.

Nhiều tiểu thương đã chủ động chuyển đổi hình thức kinh doanh từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online để phù hợp với tình hình hiện tại. Chị Lý Thị Hiên, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) là một trong những tiểu thương không may mắc Covid-19 trong đợt dịch bùng phát sau Tết Nguyên đán vừa qua. Đã có thời gian, chị phải tạm dừng việc bán hàng quần áo của mình tại chợ. Chị Hiên chia sẻ, khi bán trực tiếp tại cửa hàng, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Bởi vậy, sau khi điều trị bệnh và hết cách ly, chị quyết định chỉ bán online tại nhà. Cùng với việc chụp hình, đăng hình quảng cáo trên mạng xã hội, chị cũng sử dụng hình thức livestream để thu hút khách hàng hơn. Doanh số bán hàng trong mùa dịch giảm đến 40% nên chị cũng chủ động nhập ít hàng, chỉ tập trung vào những mặt hàng dễ bán.

Các tiểu thương luôn biết cách vượt khó để phù hợp với điều kiện dịch. Anh Đặng Quốc Hoàn, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chủ yếu buôn bán các mặt hàng hóa mỹ phẩm. Anh Hoàn tâm sự, những ngày buôn bán khó khăn, anh đã đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Đó đơn giản là những giờ vàng mua 1 tặng 1, miễn phí giao hàng, giảm giá một số sản phẩm thiết yếu… Theo anh, đó không đơn giản chỉ là thu hút khách mua hàng, các chương trình khuyến mãi còn giúp sẻ chia khó khăn với cộng đồng mùa dịch.

Ghé thăm gian hàng tạp hóa của chị Đỗ Hồng Hà, tiểu thương kinh doanh tại chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang) có thể thấy lượng khách mua bán khá ổn định. Chị bảo rằng dù áp dụng bất cứ hình thức kinh doanh, buôn bán nào trong mùa dịch thì yếu tố quan trọng nhất đó là phải đảm bảo hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả ổn định, hợp lý. Như vậy mới có thể tạo niềm tin cho khách hàng, níu chân khách hàng gắn bó dài lâu.

Trước những khó khăn do dịch bệnh gây nên, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương buôn bán tại chợ truyền thống đã linh hoạt, thích ứng an toàn bảo đảm ổn định cuộc sống.

Theo TQĐT 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 415
Hôm qua : 613