• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Tuyên Quang năm 2018

Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, đời sống kinh tế của cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố Tuyên quang ngày một nâng cao

          Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch cũng đạt được những kết quả khá, các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung hết sức phong phú và thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân; các lễ hội truyền thống như: Hội đua thuyền trên sông Lô; lễ hội Chùa Hang; Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La được duy trì và phát huy đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu, nét đặc sắc riêng của thành phố Tuyên Quang, các hoạt động lễ hội đã thu hút được đông đảo nhân dân và khách du lịch tham dự. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, thành phố có trên 200 thôn, xóm, tổ dân phố được sinh hoạt tại nhà văn hóa; 23 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; 13 đội văn nghệ quần chúng xã, phường, 372 tổ đội văn nghệ quần chúng của các thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học; có 33,5% số người tập TDTT thường xuyên, 58 CLB thể thao cơ sở, trên 400 sân bãi, điểm vui chơi, tập luyện thể dục thể thao. Trong năm 2017, thành phố tổ chức thành công Đại hội TDTT thành phố. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển sâu rộng, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93,5%; thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa đạt 78,1%.
Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Hoạt động du lịch có bước phát triển khởi sắc, trong năm lượng khách du lịch đến với thành phố Tuyên Quang là trên 530.000 lượt người, đạt 139,5% kế hoạch, doanh thu xã hội về hoạt động du lịch đạt trên 424 tỷ đồng, đạt 106,3% kế hoạch. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch được tăng cường; đội ngũ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch từng bước được kiện toàn, nâng cao chất lượng.

Một góc thành phố Tuyên Quang


     Tuy nhiên những kết quả đạt được nêu trên so với sự phát triển chung của thành phố cho thấy văn hóa, thể thao, du lịch còn nhiều hạn chế như: Đời sống văn hóa tinh thần một số nơi còn đơn điệu; việc tổ chức được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở chưa nhiều; hệ thống thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể dục thể thao còn thiếu, có nơi còn xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp; du lịch của thành phố còn chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành du lịch còn khiêm tốn; công tác tuyên truyền quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa tạo dựng hình ảnh của địa phương một cách rộng khắp để thu hút du khách đến với thành phố.
Để góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu của thành phố về văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2018 cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
    Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao trong tình hình mới. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa, thể thao nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao đặc biệt là trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; triển khai có hiệu quả cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.
    Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú về nội dung. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, chào mừng, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Duy trì, tổ chức và nâng cao các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đặc biệt là các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống như: Hội đua thuyền trên sông Lô; lễ hội Chùa Hang; Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La; Lễ hội Thành Tuyên qua đó góp phần giáo dục về truyền thống văn hóa các dân tộc cho nhân dân trên địa bàn.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, nhà văn hóa, điểm vui chơi, sân chơi, bãi tập theo quy hoạch; phát huy tác dụng của hệ thống thiết chế văn hóa để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa lành mạnh, có chất lượng cao, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với khuân viên, sân thể thao.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 15/8/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Tập trung triển khai linh hoạt cơ chế, chính sách, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn chất lượng cao, các trung tâm thương mại, siêu thị đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách, trước mắt triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Cụm sinh thái núi Dùm, cổng Trời, (thuộc xã Tràng Đà, phường Nông Tiến), dự án cầu Tình Húc và đường ven hai bờ sông Lô tạo cảnh quan không gian đô thị qua đó tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển du lịch, hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường; chú trọng liên kết phát triển các tua du lịch giữa thành phố Tuyên Quang với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Gìn giữ, phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Quan tâm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Tăng cường đào tạo tập huấn và bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch; Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung quản lý nhà nước theo quy định của Luật Du lịch, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh và chất lượng các dịch vụ du lịch đảm bảo cho các doanh nghiệp du lịch hiểu đúng, đủ và điều hành hoạt động kinh doanh theo đúng luật, hạn chế những hoạt động tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh đồng thời tạo lập một “sân chơi” bình đẳng, một hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp du lịch có đủ điều kiện, đảm bảo về chất lượng và môi trường thuận lợi để phát triển hoạt động kinh doanh.
Tập trung phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, làm tốt công tác đào tạo, mở các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cả về trình độ ngoại ngữ, trình độ giao tiếp, ứng xử; nâng cao kiến thức, chuyển giao kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân ở những nơi có điều kiện./.
 

Trương Tiến; Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 60
Hôm qua : 476