• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường quản lý hoạt động thu mua phế liệu

Hoạt động thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều người lao động. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn thành phố Tuyên Quang hiện vẫn còn bất cập, gây ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị.

Điểm thu mua phế liệu tại tổ 16, phường Tân Quang.


Đường Trần Phú là một trong những con phố đẹp của thành phố Tuyên Quang thuộc tổ 16, phường Tân Quang, với nhiều nhà hàng, khách sạn thu hút khách du lịch, thế nhưng ngay giữa phố mấy năm nay tồn tại một điểm thu mua phế liệu. Điểm thu mua phế liệu này rộng 200 m2 đó là một ngôi nhà tạm chủ yếu che bằng bạt nằm ngay cạnh khách sạn Eden.

Hàng ngày, hoạt động thu mua ở đây khá nhộn nhịp, các loại phế liệu tập kết ngay trên vỉa hè. Phế liệu thu mua ở đây gồm đủ loại, từ bao ni-lon, giấy, đồ nhựa, sắt, thép và những sản phẩm gia dụng như ti vi, tủ lạnh... đã hư hỏng. Lượng phế liệu lớn được thu gom hàng ngày đã quá tải so với khu chứa hàng, có khi xếp tràn ra cả lòng đường. Anh Trần Văn Thắng, chủ cơ sở thu mua phế liệu quê ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) thuê diện tích còn trống của một hộ có đất chưa làm nhà ở đây đã vài năm nay.

Từ khi kinh doanh phế liệu ở đây đến nay cơ sở thu mua của anh Thắng chưa thực hiện bất cứ thủ tục gì liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình, đây là cơ sở kinh doanh hoạt động không có giấy phép. Theo anh Thắng thì cũng đã có vài lần cán bộ đến hỏi nhưng hỏi rồi lại đi không thấy có ý kiến gì.

Hoạt động kinh doanh thu mua phế liệu của anh Thắng là nỗi bức xúc lớn đối với chị Trần Thị Thúy Hoàn, chủ khách sạn Eden. Bởi lẽ một khách sạn to đẹp mà ngay trước cửa là điểm thu mua phế liệu lụp xụp nhếch nhác, bừa bãi, bẩn thỉu có khi còn gây mùi hôi khó chịu, hơn nữa nơi này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ.

Chị Hoàn cho biết, việc kinh doanh phế liệu ở ngay giữa khu dân cư là điều khó có thể chấp nhận vừa gây mất mỹ quan, làm ô nhiễm môi trường xung quanh vì vậy cần phải có giải pháp quản lý đưa các hộ kinh doanh này xa khu vực dân cư thành phố. Không chỉ có chị Hoàn mà các hộ hàng xóm xung quanh cũng bức xúc, lo lắng về các nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.

Theo thống kê của UBND thành phố Tuyên Quang, hiện trên địa bàn có 35 cơ sở kinh doanh phế liệu, trong đó 14 cơ sở không có giấy phép kinh doanh. Hầu hết các cơ sở đều không đáp ứng được các điều kiện như: Thiếu giấy phép kinh doanh, không có giấy xác nhận về bảo vệ môi trường và hệ thống xử lý đảm bảo môi trường, giấy chứng nhận về phòng chống cháy nổ và hệ thống phòng chống cháy nổ đúng quy định.

Các cơ sở thu mua phế liệu chủ yếu nằm xen kẽ trong khi dân cư đông đúc. Các loại phế phẩm như giấy, bìa các tông, vỏ chai nhựa, sắt thép, nhôm, các thiết bị đồ điện cũ xếp đống ngổn ngang trong những căn nhà, lều tạm bợ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của các hộ xung quanh, làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, có thể là nơi tiêu thụ các tài sản do người phạm tội mà có, làm mất an ninh trật tự.

Để tăng cường công tác quản lý các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu trên địa bàn; xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo đầy đủ các quy định về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời tổ chức lập quy hoạch các điểm làm kho bãi tập kết và kinh doanh phế liệu ở xa khu vực dân cư, không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường sống của những hộ dân liền kề.

Theo: baotuyenquang.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 50
Hôm qua : 555