• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết cổ truyền - Nét đẹp văn hóa của người Việt

Đối với người Việt,Tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là những ngày trọng đại nhất trong một năm. Dù thành thị hay nông thôn, miền núi hay miền xuôi, đất liền hay hải đảo, trong nước hay mưu sinh trên toàn thế giới, cứ xuân về Tết đến là mỗi người lại nhớ về quê hương nguồn cội.Tết cổ truyền đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một lẽ sống bản ngã tự nhiên in sâu vào tâm thức người Việt.

 Tết xưa

Văn hóa của người Việt bắt nguồn từ văn minh nông nghiệp lúa nước. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc giao thời, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết), kéo dài đến mùng bảy Tết, trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán - Tết đầu năm mới.

Bà Nguyễn Thị Đào, 85 tuổi, tổ 7, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, tảo mộ luôn là công việc đầu tiên trong các công việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, để nhắc nhở mọi người mỗi khi chuẩn bị bước vào chu trình của Tết Nguyên đán. Từ ngày 23 cho đến 30 tháng Chạp (30 Tết), con cháu thường tập trung để chăm sóc phần mộ của ông bà, cha mẹ, người thân đã mất, dâng lễ mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đây là nét đẹp của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ về những người đã khuất.

Du xuân ngày Tết. Ảnh: Giang Lam

Chuẩn bị bước sang năm mới, tuần cuối cùng của năm cũ thường diễn ra hàng loạt các thủ tục, được tiến hành ở hầu khắp mọi gia đình, tạo ra một không khí sinh hoạt văn hóa vừa gần gũi, bình dị thân quen, vừa náo nức, thiêng liêng và cẩn trọng. Nhà cửa được trang trí đẹp đẽ không gian để đón Tết, thú vui sắm sửa tranh Tết, câu đối và các loại hoa tươi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa không thể nào thiếu trong những ngày Tết.

Cùng với việc trang trí nhà cửa để đón Tết, tục gói bánh chưng ngày Tết cũng đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt được lưu truyền từ xa xưa. Bánh chưng thường được gói trước Tết để kịp bày cúng trong mâm cỗ tất niên. Theo quan niệm của người Việt, hình ảnh chiếc bánh chưng còn thể hiện trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà có một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc. Phong tục truyền thống thờ cúng và thưởng thức bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa là tinh hoa ẩm thực, trí tuệ của người Việt.

Tất niên là bữa cơm cuối cùng khép lại một năm cũ. Sau một năm làm lụng vất vả, mưu sinh, những người con xa quê lại trở về quây quần quanh mâm cơm tất niên, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, chuyện mưu sinh khó nhọc. Chị Bùi Thị Thu, tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, do công việc phải làm xa nhà, cả năm chị mới về quê thăm ông bà, cha mẹ, được sum vầy trong bữa cơm tất niên nên chị cảm thấy dù mâm cỗ cuối năm đầy đủ cao sang, hay nghèo khó, thì mỗi người vẫn đong đầy tình yêu thương. Bữa cơm tất niên bao giờ cũng trân trọng, nghĩa tình. Bao giận hờn, oán trách được trút bỏ, bao mưu sinh nhọc nhằn được gác lại, mọi người chúc nhau bước sang một năm mới sức khỏe, làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành, gặp nhiều may mắn.

Sau bữa cơm tất niên, giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất giữa năm cũ và năm mới, là sự giao hòa của đất trời vạn vật. Mặc dù mỗi miền quê có văn hóa nghi lễ cúng giao thừa khác nhau, song đều có cái chung là sắm mâm cơm thịnh soạn, đặt lên bàn thờ tổ tiên, con cháu quây quần bên nhau, hướng lên bàn thờ thành tâm nguyện cầu cho một năm mới sức khỏe, an lành, hạnh phúc.

Người dân Việt tin rằng ngày mùng 1 là ngày khai trương cho năm mới, vào ngày đầu năm những người hợp tuổi “xông đất”, xông nhà trong năm mới sẽ là người đem lại cho gia đình tài lộc, bình an, may mắn và sức khỏe trong năm mới. Còn nói về việc chúc Tết, mừng tuổi đầu năm ông Nguyễn Đăng Vượng, năm nay đã hơn 70 tuổi, ở tổ 17, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho rằng, chúc Tết và mừng tuổi không nhất thiết lễ nhiều vật trọng đắt tiền, mà chủ yếu mang tinh thần tượng trưng. Có thể là đồng tiền mới giá trị không cao, cũng có thể là bao chè, đồng bánh chưng, tấm áo mới...

Chẳng ai nhớ tục mừng tuổi chính thức có từ thời gian nào, song, trải qua thăng trầm của lịch sử đã trở thành nét đẹp nhân sinh hướng thiện trong tâm thức mỗi người Việt. Con cái chúc Tết mừng tuổi bố mẹ, ông bà thể hiện sự hiếu nghĩa, quý trọng, đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục, mong đấng sinh thành sống khỏe, sống lâu. Ông bà, bố mẹ chúc Tết, mừng tuổi con cháu thể hiện sự yêu thương đùm bọc, mong học hành tiến bộ, ngoan ngoãn và trưởng thành. Người thân, hàng xóm chúc Tết mừng tuổi nhau thể hiện mối quan hệ tôn trọng, thân cận, giao hòa trong cuộc sống. Chúc tết, mừng tuổi cũng là dịp để mỗi người thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, động viên nhau, gạt bỏ những tật hư, việc xấu, điều gở, bước sang một năm mới với tinh thần phấn chấn hơn.

Và Tết nay

Thời nay, cuộc sống bận rộn, Tết với phần lớn các gia đình cũng thay đổi, mang một dư vị khác. Ngày nay ở các khu vực thành phố, đô thị, cuộc sống ồn ã, hiện đại và vội vã, không ít gia đình thường chọn các dịch vụ dọn dẹp nhà cửa thay vì tự mình chỉnh trang cho ngôi nhà của mình như trước đây. Việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cũng có các công ty dịch vụ. Các gia đình bận rộn chỉ cần gọi điện thoại là sẽ có những nhân viên chuyên nghiệp của các công ty dịch vụ đến phục vụ.

Chợ Tết giờ cũng khác rất nhiều. Khoa học công nghệ phát triển, các trang thương mại điện tử ra đời, rồi các mạng xã hội cũng được dùng để kinh doanh đã trở thành cánh tay đắc lực cho các bà nội trợ muốn thể hiện đảm đang. Với thời đại 4.0 hiện nay, chỉ một vài click chuột là bạn đã có thể mua sắm bất cứ thứ gì để chuẩn bị cho Tết nhà mình, mà không cần phải chen chúc tại siêu thị hay mất cả buổi sáng để mặc cả ở chợ. Tiện lợi và hữu dụng là thế, nhưng cũng chính vì vậy mà hình ảnh cả gia đình cùng nhau đi sắm đồ Tết trong sự háo hức của con trẻ đã không còn quá phổ biến tại các phiên chợ Tết ngày nay.

Nhiều người nói, công nghệ phát triển làm mọi người xa nhau và cái Tết trong thời 4.0 cũng có phần phai nhạt. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực, công nghệ giúp kết nối, giúp mọi người gần gũi nhau hơn. Trước đây, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, với những người xa xứ không có điều kiện về quê đón Tết thì Tết đến là những ngày đầy lạnh lẽo, buồn tủi, nhớ nhung. Ngày nay, khoảng cách về không gian dường như được rút ngắn lại, ngày Tết những người xa xứ cũng có cảm giác như được quây quần bên những người thân yêu khi các ứng dụng trò chuyện trực tuyến, các mạng xã hội ra đời và ngày càng phát triển. Công nghệ đã mang những người trong gia đình đến gần nhau hơn trong thời khắc thiêng liêng.

Một vài năm trở lại đây, những hình ảnh pháo nổ rợp trời đã không còn quen thuộc với người Việt, mà thay vào đó chỉ bắn pháo hoa tập trung tại một số điểm đã được quy định sẵn. Cũng vì thế mà Tết bớt đi một thú vui đầy hấp dẫn.

Nếu như trước đây, tối 30 tết mọi thành viên trong gia đình thường quây quần bên mâm cơm tất niên, kể về những câu chuyện của một năm đã qua và cùng nhau xem chương trình Tết trên tivi, thì ngày nay, mọi người lại có nhiều lựa chọn hơn. Có những gia đình vẫn giữ được phong tục sum vầy bên mâm cơm cuối năm, nhưng cũng có những gia đình lại chọn cho mình các hình thức khác như đi du lịch thay vì ở nhà đón Tết như trước, đây cũng là một cách đón tết khá mới lạ và thú vị. Với giới trẻ thì lựa chọn chuyến du xuân tới các vùng đất mới, để khám phá những văn hóa hay có những trải nghiệm mới vào dịp đầu năm.

Những gia đình trẻ thì có xu hướng chung chuyển từ “ăn Tết” sang “chơi Tết”. Họ coi tết thì vẫn vậy, nhưng cách đón và cách tận hưởng ngày Tết đã có nhiều thay đổi, có những thay đổi tốt mang hướng tích cực cũng có những điều khiến chúng ta phải ngẫm lại suy nghĩ và nhớ nhung Tết xưa. Dù đang theo xu hướng Tết nay hay vẫn giữ cho mình những nét đẹp của truyền thống Tết xưa, thì hãy luôn nhớ rằng Tết là dịp sum vầy, vứt bỏ mọi nỗi lo toan của cuộc sống để quây quần và tận hưởng những phút giây hạnh phúc nhất bên gia đình và người thân.

Đất nước đổi mới, những nghi lễ tập tục cũng được uyển chuyển để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc Tết, mừng tuổi... vẫn là nét đẹp trường tồn mãi mãi trong Tết cổ truyền của người Việt. Và nó là giá trị bất biến vĩnh hằng in đậm trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay mưu sinh trên khắp hành tinh, mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt lại có dịp lưu truyền, chiêm nghiệm và phát triển để làm phong phú hơn.

Theo TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 27
Hôm qua : 694