• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nuôi gà Ai Cập

Năm 1996, ông Trần Công Định, tổ 13, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) về Hà Nội ăn cưới người bạn và cái duyên với nghiệp nuôi gà bắt đầu từ đấy. Nhà bạn nuôi gà Ai Cập có mã đẹp khiến ông rất “mê”. Ông bảo, ban đầu chỉ là thấy gà đẹp thì mua về nuôi làm cảnh thôi chứ không nghĩ đàn gà cho mình cả cơ nghiệp như thế.

 

Ông Định chăm sóc đàn gà Ai Cập.


Vậy là, bắt đầu từ 4 con gà Ai Cập, giờ ông có cả một trang trại gà nổi tiếng khắp thành phố. Ông cho biết, giống gà Ai Cập đẻ nhiều, trung bình mỗi con đẻ từ 200 đến 220 quả/năm, trong khi gà thường chỉ từ 60 đến 90 quả mà chất lượng trứng tương đương nhau, thì đây là bài toán mở hướng làm giàu cho gia đình ông. Ông tận dụng tre gỗ của gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi lên 500 con gà Ai Cập được nhập từ Viện Chăn nuôi Hà Nội. Đàn gà 500 con đã mang lại cho ông nguồn thu nhập khá, ông tích lũy vốn, đến năm 2006 quyết định mở trang trại với 3 dãy chuồng được thiết kế theo kiểu nhà sàn để tạo sự thoáng mát, hạn chế gà bị nhiễm bệnh. Quy mô đàn gà lúc này lên đến 6.200 con với số vốn khá lớn, nếu không làm ăn quy củ, chăm sóc đàn gà đúng quy trình kỹ thuật, mọi việc rất dễ đổ bể. Nhiều người bảo ông, “thể nào cũng có lúc lao đầu xuống ao mà chết thôi”, nhưng ông luôn có niềm tin vào năng lực chăn nuôi gà của mình.

Ông tự hào về nghề nuôi gà, bởi từ ngày khởi nghiệp đến giờ, đàn gà nhà ông chưa một lần bị dịch bệnh, ăn tốt và đẻ trứng sòn sòn. Ông thực hiện nghiêm túc tiêm phòng bệnh cho đàn gà đúng định kỳ, tự tay ông tiêm chứ không phải nhờ đến cán bộ thú y. Kiến thức chăm nuôi và tiêm phòng dịch bệnh cho gà ông học được từ các kỹ sư, tiến sỹ của Viện Thú y Hà Nội trong những buổi tập huấn; rồi ông mời các tiến sỹ về tận nhà mình giúp đỡ cách tiêm phòng, chăm sóc đàn gà. Vậy nên, đến giờ trình độ của ông được đánh giá cao, nhìn các biểu hiện của gà là ông bắt được bệnh và điều trị đúng phác đồ. Ông cho biết, khi đàn gà giống 3 ngày tuổi được nhập về phải tiêm phòng ngay bệnh Newcastle (gà rù), 7 ngày tuổi tiêm phòng bệnh Gumboro (bệnh truyền nhiễm cấp tính), 8 ngày tuổi tiêm chủng đậu, đến 14 ngày tuổi tiếp nhắc lại bệnh gà rù, 21 ngày tuổi tiêm nhắc lại bệnh Gumboro, 85 ngày tuổi tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, hô hấp và đợt cuối cùng tiêm phòng bệnh gà rù khi gà chuẩn bị đẻ trứng. Đây là quy trình bất di bất dịch, phác đồ tốt nhất do Viện Thú y Hà Nội đưa ra được ông thực hiện nghiêm ngặt nên đàn gà nhà ông phát triển tốt, mỗi ngày ông thu được 5 triệu đồng tiền bán trứng, trừ chi phí còn lãi 2 triệu đồng, tạo thêm việc làm cho 6 lao động.

Ông bảo, giờ thì tuổi đã cao rồi, vợ chồng ông đều bị bệnh trọng nên phải thu hẹp quy mô chăn nuôi gà còn 2.000 con. Trứng gà của gia đình ông không đủ để cung ứng cho thị trường, khách hàng đến tận nhà đặt mua. Theo ông, để gà đẻ trứng chất lượng thì việc chăm sóc đúng quy trình rất quan trọng. Không nên cho gà ăn quá no, khi gà ăn no quá dễ bị sa dạ con gây bệnh nhiễm trùng, gà sẽ chết. Thức ăn cần phải sử dụng đúng hàm lượng theo chỉ dẫn của nhà máy, không mua thức ăn trôi nổi trên thị trường mà phải có hợp đồng với nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có uy tín.

Nghiệp nuôi gà của gia đình ông tiếp tục được phát triển khi người con trai ông cũng rất đam mê với công việc của cha. Hiện cha con ông đang được lãnh đạo phường Hưng Thành giúp đỡ các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm an toàn thực phẩm, đăng ký truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo TQĐT


Nguồn:thanhphotuyenquang.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 34
Hôm qua : 579