• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ than, Chi bộ đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang

Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ than, Tổ 40, phường Minh Xuân, thị xã Tuyên Quang nay là thành phố Tuyên Quang, là di tích thuộc loại hình lịch sử cách mạng; nơi đánh dấu sự ra đời của Chi bộ Mỏ than, cùng với những hoạt động của Chi bộ trong lãnh đạo phong trào cách mạng trong quần chúng lao động ở Tuyên Quang, tạo tiền đề cho quá trình hình thành, phát triển vùng căn cứ địa cách mạng sau này. Sự ra đời của Chi bộ mỏ than là mốc son trong chặng đường cách mạng của quân và dân Tuyên Quang.

        Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, đời sống của người dân lao động Tuyên Quang bị bần cùng hoá đến cùng cực. Thực dân Pháp thi hành chính sách vơ vét tài nguyên triệt để như khai thác than, kẽm dẫn đến hình thành đội ngũ công nhân hầm lò. Người công nhân mỏ Tuyên Quang nói chung và Mỏ than nói riêng phần lớn xuất thân từ nông thôn, phải lao động trong những điều kiện hết sức cực nhọc, đầy khí độc, ngày làm từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ liên tục không có ngày nghỉ, tính mạng của người công nhân luôn bị đe dọa bởi các tai nạn cháy ga, sập lò... vất vả, cực nhọc là vậy mà người công nhân chỉ nhận được đồng lương ít ỏi, không đủ ăn. Trong hoàn cảnh điều kiện lao động cực nhọc, sự liên hệ chặt chẽ với làng quê đã giúp cho giai cấp công nhân sớm nhận ra bộ mặt thật của giai cấp bóc lột, chính vì thế khi được giác ngộ cách mạng giai cấp công nhân đã sớm nhận ra đó con đường để tự giải phóng mình, mang lại cơm áo, tự do cho giai cấp cần lao.
      Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, chỉ trong vòng 5 năm cơ sở Đảng đã được xây dựng ở hầu khắp các thành phố, thị xã lớn. Tuy vậy, ở các vùng nông thôn, vùng núi cơ sở Đảng còn mỏng, có nơi chưa được xây dựng. Trước tình hình đó, tại Đại hội lần thứ nhất (tháng 3 năm 1935), Đảng Cộng sản Đông dương đề ra chủ trương mở rộng ảnh hưởng của Đảng, nhất là tại những nơi chưa xây dựng được cơ sở Đảng.
      Tháng 6 năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Lịch (tức Hai Cao), người Cao bằng là đảng viên Đảng Cộng sản được điều về hoạt động tại Mỏ than Tuyên Quang, chịu trách nhiệm về việc bắt mối, xây dựng cơ sở, tổ chức Đảng. Để thuận lợi cho công việc, có điều kiện gần gũi anh em công nhân, đồng chí vào làm công nhân đốt lửa tại nhà máy đèn của Mỏ than. Sau một thời gian ngắn tuyên truyền, đồng chí đã giác ngộ được một số anh em công nhân có tinh thần yêu nước, yêu giai cấp, lòng căm thù đế quốc, phong kiến và hưởng ứng phong trào dân chủ do Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương phát động đang dâng lên mạnh mẽ trong toàn quốc.
Đầu năm 1938, tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ gồm một số thanh niên ưu tú như Hoàng Lan, Trần Xuân Hồng, Quang Mai, Đức Kim, Lương Hải Bằng..., được thành lập làm nòng cốt cho phong trào thanh niên ở Tuyên Quang. Mỗi người được phân công phụ trách một bộ phận trong khu mỏ nơi trực tiếp tham gia sản xuất và tại nơi cư trú để tuyên truyền, giác ngộ cho công nhân và nhân dân những vùng lân cận. Để có thêm tài liệu làm cơ sở tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng, đồng chí Hai Cao đã về Hà Nội liên lạc với các nhà xuất bản, lấy một số sách báo như Thời Thế, Bạn Dân, Tin Tức, Đời Nya... cơ sở nhận và lưu chuyển tài liệu là gia đình đồng chí Trần Xuân Hồng. Sau một thời gian hoạt động tích cực, nhân dân Tuyên Quang, nhất là công nhân Mỏ than đã bước đầu được giác ngộ về quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc. Một số tổ chức quần chúng được thành lập như Hội ái hữu thợ thuyền, đặt trụ sở tại phố CôLônen Valie (khu phố Xuân Hoà, nay là phường Minh Xuân thành phố Tuyên Quang) để tập hợp những công nhân tích cực trong phong trào đấu tranh cách mạng. Giữa năm 1938, đồng chí Hai Cao trở về Cao Bằng hoạt động, đồng chí Vũ Mùi được xứ uỷ Bắc kỳ phân công phụ trách phong trào cách mạng ở Tuyên Quang. Kế thừa nền móng phong trào cách mạng đồng chí tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng lao động tiến tới những hình thức đấu tranh cao hơn, mở rộng đường dây liên lạc của Đảng trong công nhân đoàn thuyền sắt do đồng chí Cả Hàm phụ trách. Lúc này phạm vi hoạt động của tổ chức cách mạng đã vượt ra ngoài thành phố Tuyên Quang, xây dựng được cơ sở quần chúng trung kiên ở soi Hồng Lương và soi Sính.
Bước sang năm 1939, chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, phong trào cách mạng trong nước bị khủng bố, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 họp đề ra chủ trương chuyển hướng hoạt động về nông thôn, rút vào bí mật. Thực hiện chủ trương của Đảng, một số đồng chí hoạt động trong phong trào dân chủ tại Hà Nội Trần Thị Minh Châu, Trần Hải Kế được điều lên Tuyên Quang phát triển phong trào cách mạng. Cuối năm 1939, phong trào cách mạng của nhân dân thành phố Tuyên Quang đã phát triển, những cuộc đấu tranh của công nhân mỏ và đoàn thuyền sắt đã tác động mạnh mẽ đến đông đảo nhân dân trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận, cơ sở quần chúng đã được mở rộng song chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo trực tiếp và thống nhất. Đánh giá đúng thực trạng và yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng Tuyên Quang, xứ uỷ Bắc kỳ đã quyết định thành lập chi bộ cách mạng tại đây để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.
Chiều ngày 20 tháng 3 năm 1940, lễ thành lập Chi bộ Mỏ than được tổ chức tại nhà cụ Cả Kiến, đồng chí Đào Duy Kỳ, xứ uỷ viên xứ uỷ Bắc kỳ đã thay mặt xứ uỷ công nhận và giao nhiệm vụ cho Chi bộ. Chi bộ gồm 7 đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai (tức Kiến con), Trần Xuân Hồng (Hồng lớn), Bùi văn Đức (Đức Kim), Lương Hải Bằng (Lương Văn Hải), Trần Hải Kế, Trần Thị Minh Châu, đồng chí Vũ Mùi được chỉ định làm Bí thư chi bộ.

Phối cảnh xây dựng di tích Chi bộ Mỏ than 


      Chi bộ Mỏ Than ra đời là một tất yếu khách quan, là kết quả của quá trình tuyên truyền, gây dựng cơ sở bền bỉ, đầy gian khổ của cán bộ, đảng viên; đồng thời đây cũng là kết quả của phong trào đấu tranh liên tục, mạnh mẽ của công nhân và nhân dân lao động Tuyên Quang, thể hiện sự chỉ đạo sát sao của xứ uỷ Bắc kỳ trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng. Trong bối cảnh chung của phong trào cách mạng cả nước, để bảo toàn lực lượng, các cơ sở cách mạng thường chuyển về hoạt động tại nông thôn: Chỉ có một số ít địa phương như Tuyên Quang là phát triển được ở thành phố, lại phát triển mạnh trong công nhân hầm lò là điều hiếm có, đặc biệt vì đây là một địa bàn rất khó khăn dễ bị địch khủng bố.
       Như vậy, mặc dù cơ sở cách mạng ra đời muộn so với nhiều tỉnh khác, song phong trào đấu tranh ở Tuyên Quang phát triển nhanh, vững chắc bởi lòng căm thù thực dân - đế quốc của quần chúng nhân dân lao động đã lên tới tột đỉnh, phong trào đấu tranh của các tỉnh miền xuôi và lân cận tác động mạnh, các đảng viên được cử đến xây dựng cơ sở đã có kinh nghiệm. Chính những lý do trên đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển thuận lợi, tránh được tổn thất cho quần chúng.
Chi bộ Mỏ Than là Chi bộ cộng sản đầu tiên và duy nhất lãnh đạo phong trào cách mạng ở Tuyên Quang trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Cùng với hoạt động của tổ chức Việt Minh, sự lãnh đạo của Chi bộ Mỏ Than, đã tạo nên không khí cách mạng sôi nổi ở Tuyên Quang, hướng quần chúng lao khổ theo con đường đấu tranh đòi cơm áo, độc lập, tự do.
      Di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ than ngày nay có ý nghĩa to lớn trong công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử Đảng, lịch sử kháng chiến của dân tộc ta. Di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ than cùng với các di tích khác trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đều mang giá trị to lớn về giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ./.
 

(Trương Đức Tiến, phòng văn hóa và thông tin thành phố)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 60
Hôm qua : 476