• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đình Viên Châu

Di tích đình Viên Châu thuộc thôn Viên Châu 1, xã An Tường, thị xã Tuyên Quang, nay là thôn 7, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang. Đình Viên Châu được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng năm 1739), còn có tên gọi khác là đình Trắng.

   Đình được nhân dân trong vùng dựng lên thờ tam vị đại vương là Cao Sơn (thần Núi), Thủy Bá phủ Long Quân (thần Sông), Nguyễn Ô Ngô (Thành hoàng làng) và 1 thiên thần là Quỳnh Hoa công chúa. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. 

Cổng đình Viên Châu


   Đình Viên Châu tọa lạc trên một khu đất cao, rộng và thoáng mát với diện tích 690 , tựa lưng vào núi, phía trước nhìn ra dãy núi Sâm Sơn cao sừng sững như bức tường thành, trước mặt có dòng sông Lô xanh biếc cuộn chảy. Ngôi đình ở trung tâm thôn dã, nơi có cư dân nhiều đời quần tụ, quanh năm cây cối tốt tươi, phong cảnh sơn thủy hữu tình, xung quanh có nhiều ngọn núi nhỏ chầu vào như thuần phục.
Đình Viên Châu khởi nguyên được xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, cùng với thời gian, ngôi đình đã qua nhiều giai đoạn sửa chữa.
   Hiện nay, đình Viên Châu được xây dựng theo kiến trúc hình chứ Đinh (丁), bao gồm tòa tiền tế và tòa hậu cung, theo kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”. Tòa tiền tế là 1 phòng nhỏ, mái lợp ngói móc, trên bờ nóc có đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”, đây là nơi cử hành nghi lễ, là chỗ các vị chức sắc và các bậc cao niên ngồi khi làm lễ. Giữa tòa tiền tế là nơi đặt nhang án bằng gỗ, bên ngoài phủ 1 lớp sơn màu vàng, trang trí bằng các mảng trạm khắc tinh tế với kỹ thuật chạm thủng hoa văn hổ phù cách điệu mang phong cách đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc và trang trí thời Nguyễn.
   Qua tòa tiền tế, vào đến tòa hậu cung. Tòa hậu cung được xây dựng theo kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”, đầu đốc được bưng kín, mái cuốn vòm, trên tường có vẽ đôi rồng chầu mặt trời. Hai bên tường hồi mở 2 cửa ra vào để tạo sự thông thoáng cho công trình kiến trúc. Giữa tòa hậu cung là bệ thờ được xây 5 bậc ốp gạch men đỏ, trên ban thờ trang trí các đồ tế tự, trên cùng đặt 3 cỗ long ngai thẳng hàng thờ 3 vị thần núi, thần hoàng làng và thần sông.
   Cũng giống như một số đình làng vùng trung du miền núi phía Bắc khác, đình Viên Châu thờ 3 vị thần núi, thần sông, thần hoàng làng là sự thể hiện lối “tư duy nông nghiệp” mang tính bản địa đậm nét. Người dân đến đình với ước vọng cầu mong nhờ siêu lực của tự nhiên mà ban cho mưa thuận gió hòa, có vụ mùa bội thu.
   Ngai thờ đình Viên Châu là sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được chạm khắc cầu kỳ tinh tế đến từng chi tiết nhỏ, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật chạm thủng, chạm nổi và chạm bong kênh trong nghệ thuật chạm khắc dân gian truyền thống Việt Nam, với chủ đề trang trí tứ linh “long, ly, quy, phượng”, được sơn son thếp vàng rực rỡ. Là nơi thể hiện niềm tôn kính và ước vọng của con người nên long ngai luôn được đặt ở vị trí cao nhất, tạo ra sự ngăn cách giữa cuộc đời trần tục với thế giới thần linh.
Trong quần thể kiến trúc đình Viên Châu có một miếu thờ nhỏ ở phía bên phải, là nơi phụng thờ Quỳnh Hoa công chúa. Đây là công trình kiến trúc nằm song song với tòa tiền tế.
   Hàng năm, tại đình Viên Châu còn diễn ra một số vấn lễ. Mỗi vấn đều có thờ cúng đầy đủ: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Thời gian vấn được chia ra trong năm và được ấn định như ngày 12/1 là lễ Chính tiệc hội thánh, đây là lễ lớn nhất trong năm. Ngày 1/4 là lễ vào hè cầu mát, ngày 1/7 là lễ ra hè, ngày 10/8 là lễ cơm mới cúng Chúa bà miếu cô…
   Có thể nói, đình Viên Châu là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, nơi hỗn dung của nhiều tín ngưỡng mang tính bản địa của cư dân đất Việt. Ở đó, con người bày tỏ sự tôn kính và ngưỡng vọng các chư vị thánh thần, thể hiện truyền thống và đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của cư dân nông nghiệp, mang đậm bản chất “lối tư duy dân dã” của con người miền sơn cước.
   Di tích đình Viên Châu có giá trị lớn trong việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu văn hóa dân tộc nói chung. Cùng với các di tích khác của tỉnh Tuyên Quang, di tích đình Viên Châu góp phần to lớn vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, tín ngưỡng dân gian cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
                                                                                                                                                                                                       

         Phòng VHTT thành phố Tuyên Quang
 


Nguồn:thanhphotuyenquang.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 472