• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Linh thiêng Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, thành phố Tuyên Quang

Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La thành phố Tuyên Quang năm 2018 được tổ chức trong 06 ngày, từ ngày 27/3/2018 đến 01/4/2018 (tức ngày 11/02 đến 16/02 Âm lịch). Đến với Lễ hội đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La, nhân dân và du khách không chỉ được tĩnh tâm ở chốn linh thiêng, được hòa mình vào bầu không khí sôi động của Lễ rước Mẫu độc đáo, được đắm mình trong những cung bậc trầm bổng của Chầu văn trong Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống.

       Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La là những công trình kiến trúc cổ, vừa có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc vừa có giá trị về văn hóa tâm linh; giá trị từ sự linh thiêng của tín ngưỡng Thờ Mẫu - một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La là 3 trong 5 di tích của thành phố Tuyên Quang đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; cùng với đó Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La cũng được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các vị Mẫu thần thờ ở ba ngôi đền chính là tính “Thiêng”, là hạt nhân của lễ hội truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền cho đến ngày nay.


     Đền Hạ, nằm trên địa bàn phường Tân Quang; đền Thượng, nằm trên địa bàn xã Tràng Đà, hai ngôi đền kể trên đều được xây dựng vào thời Hậu Lê (giữa thế kỷ XVIII); đền Ỷ La thuộc địa phận phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang được xây dựng muộn hơn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ba ngôi đền được người dân dựng lên để thờ đức thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải) và các bậc thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.


Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung (tức Quỳnh Hoa công chúa) và Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa), một hôm theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận). Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người dân cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La (tức là đền Hạ ngày nay). Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả sông Lô thuộc xã Tình Húc (tức là đền Thượng ngày nay). Trải qua thời gian cùng với biến thiên thăng trầm của lịch sử, do gặp nạn binh đao đền Hạ bị đốt phá nghiêm trọng, người dân trong vùng phải rước tượng thần đến làng Ỷ La để lánh nạn. Năm 1817, Khải Định thứ 3, khởi công dựng lại đền Hạ trên địa điểm cũ nhưng quy mô lớn hơn. Khi đó tại địa điểm tượng thần đền Hạ lánh nạn dân làng Ỷ La cũng xây dựng đền Ỷ La để thờ công chúa Phương Dung. Sự hình thành đền Mẫu Ỷ La bắt nguồn từ đền Hạ, hai ngôi đền cùng thờ công chúa Phương Dung người đã hóa thân thành Mẫu Thượng Thiên. Trong quan niệm dân gian, Đền Ỷ La là nơi “lánh nạn” của Mẫu, là nơi có địa thế linh thiêng chở che thánh Mẫu, là nơi có khả năng bảo toàn cái Thiện, cho nên Lễ hội đền Thượng và đền Hạ không tách rời đền Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu được thờ phụng ở 3 ngôi đền có chung ngày lễ trọng rước Mẫu; trong những ngày diễn ra lễ rước Mẫu, đền Mẫu Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, đền Hạ là nơi hợp tế. Như vậy cùng với sự ra đời của đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La, Lễ hội cũng được hình thành ở thành phố Tuyên Quang.
Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là sự kiện để người dân tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của Thánh Mẫu đối với cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đồng thời Lễ hội cũng là dịp để con người được giải toả, giãi bày những phiền muộn, lo âu với các bậc thần linh, mong được thần linh giúp đỡ, chở che để vượt qua những khó khăn, vươn tới ngày mai tươi sáng. Đây chính là sản phẩm tinh thần được hình thành từ quá trình sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước gắn với cầu cho mưa thuận, gió hòa, hoạt động trị thủy, chống lại thiên tai bão lũ, khai hoang, lập làng tổ chức lao động sản xuất của Người Việt.
Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ở thành phố Tuyên Quang gắn với vùng đất và con người nơi đây, là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, được nhân dân các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn thành phố gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác, Lễ hội tồn tại phát triển cho đến ngày nay đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân mảnh đất xứ Tuyên. Trải qua bao thế hệ, lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân các dân tộc ở thành phố Tuyên Quang.


Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La được tổ chức định kỳ một năm 2 lần vào tháng 2 và tháng 7 (âm lịch). Trải qua thời gian, Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La mặc dù đã tiếp thu thêm những yếu tố hiện đại nhưng về quy trình chuẩn bị, nghi thức, lộ trình, quang cảnh trang trí lễ hội, lời văn tế, trang phục đạo cụ, hình thức diễn diễu, lễ vật dâng cúng… vẫn mang đậm sắc thái cổ truyền của địa phương. Trong Lễ hội từ các lễ vật dâng cúng đến các nghi lễ diễn diễu đều do người dân tự nguyện ủng hộ, cung tiến và thực hiện; vào thời khắc âm dương giao hoà, nhân dân vào đền để cầu vọng thánh Mẫu phù hộ cho sức khỏe, công việc làm ăn, an cư lạc nghiệp, sinh dưỡng con cái, mùa màng bội thu, muôn vật sinh sôi nảy nở, cầu cho muôn người bước vào năm mới bình an, khang thái, gia đạo ấm êm, dân cư hòa thuận. Bên cạnh đó Lễ hội chính là thời điểm để anh em, bạn bè, du khách gần xa hướng về nguồn cội, tạ ơn thánh Mẫu và cầu cho một năm mới làm ăn phát tài, phát lộc.
Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La thành phố Tuyên Quang ngày nay đã và đang thực sự trở thành điểm hẹn không thể thiếu của người dân thành phố, du khách đến từ mọi miền trong cả nước.

 

 

Trương Đức Tiến, phòng Văn hóa và Thông tin thành phố
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 23
Hôm qua : 476