• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về tên gọi Tình Húc

Bây giờ, khi cây cầu đẹp nhất trong số các cây cầu bắc qua dòng Lô Giang sắp nối hai bờ vui của thành phố Tuyên Quang là Hưng Thành với Nông Tiến, thì nhiều người, nhất là lớp trẻ mới hỏi rằng: Tại sao một cây cầu đẹp đẽ như thế lại mang cái tên là Tình Húc? Nghe ra có vẻ cái tên ấy có gì đó không trong sáng? Nghe câu hỏi đó tôi không khỏi khó chịu, bồi hồi nhớ cụ Quỳnh Mai, cụ Lang Toán ở Tam cờ và cụ Châu ở Xã Tắc, ba ông đồ họ Nguyễn xứ Nghệ giỏi nhất của thành Tuyên thế kỷ 20 mà tôi đã nhiều lần được sai làm điếu đóm cho các cụ.

Một ngày đầu xuân năm 1963, tôi theo cha sang hầu các cụ nói chuyện thơ phú. Giữa lúc chuyện về Thành Tuyên đang rôm rả, tôi chen ngang hỏi cụ Quỳnh Mai hai câu hỏi:

- Chúng cháu hay bơi sang Soi Lâm, dân bên đó bảo Soi Lâm là của Tình Húc có phải không cụ?

- Tình Húc là yêu nhau không lấy được nhau thì húc nhau sứt đầu mẻ trán phải không ạ?

 

Soi Tình Húc, thành phố Tuyên Quang. Ảnh K.T

Cụ lấy cây bút lông viết lên trên tờ giấy bản gói thuốc bắc hai chữ Hán (??) rồi giải thích, chữ Tình này là TÌNH NGƯỜI, TÌNH YÊU! TÌNH HÚC là Tình người, tình yêu lúc ban mai. Cố mà học lấy chữ Nho, thành Tuyên này còn bia đá ghi lại nhiều sự tích hay lắm đó.

Khi vào đại học, người ta cho tôi đi học sư phạm ngoại ngữ khoa Trung Văn, tôi bỏ theo cha về làm thợ mộc, rồi vào học Báo chí, sau đi bộ đội. Trở về Hà Tuyên lại theo dòng chiến sự, không có thời gian để học Hán Văn, nhưng vẫn đi các đền chùa để xem các bia đá ở đó còn hay không, và già thì về Hà Nội cũng đi nhiều tỉnh để xem bia đá, các bài minh trên chuông.

Ngày nay bia đá của nhiều tỉnh, trong đó có Tuyên Quang đã mất mát rất nhiều, nhưng may sao từ những năm 1926 của thế kỷ trước, Viện Viễn đông bác cổ của người Pháp ở Hà Nội, thông qua chính quyền các tỉnh đã bắt Lý trưởng các làng dập lại các bài Minh trên bia đá, chuông, khánh đồng ở các đình, chùa, miếu để giúp họ nghiên cứu về văn hóa dân tộc Việt Nam, các bản dập này người ta gọi là Thác bản, các làng đã nộp lên trên 1 vạn thác bản với trên 2 vạn mặt bia ở 53 tỉnh hồi đó.

Trong số 23 thác bản văn bia của Tuyên Quang mà tôi có, tôi tìm được bốn tấm thác bản có tên xã TÌNH HÚC, đó là Hậu thần bi ký; Sâm Sơn thánh mẫu từ đại bái đường bi; Tình Húc xã hậu bi và Sâm Sơn phật tự bi ký. Cả 4 tấm bia này đều được dập ở một ngôi đền mang tên là Quang Nhuận của xã TÌNH HÚC. Trong 4 tấm bia đó có tấm bia cổ nhất viết vào đời Tự Đức thứ 18, tức là năm 1865, cách năm 2020 là 135 năm, và tấm bia mới nhất lập năm 1929 cách nay 91 năm. Bốn tấm bia mang 4 nội dung khác nhau, trong đó bia Hậu thần xã Tình Húc (?????) là tấm bia ở bên phải nhà Bái đường trong đền Quang Nhuận xã Tình Húc tổng Bình Ca, phủ An Sơn không rõ người viết, không rõ năm khắc. Chữ TÌNH trong bia này khác chữ Tình do cụ Quỳnh Mai ngày xưa viết cho tôi.

Tôi mang tấm thác bản sang hỏi Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hữu Tâm một dịch giả Hán - Nôm nổi tiếng của Viện Sử học, ông bảo chữ TÌNH trong bia này là một chữ khác với chữ TÌNH của cụ Quỳnh Mai viết, chữ TÌNH trên bia này có nghĩa là TRỜI TRONG SÁNG KHÔNG MÂY, còn chữ HÚC cụ Quỳnh Mai viết đúng, dịch đúng là ÁNH SÁNG MẶT TRỜI MỚI MỌC.

Đọc tấm bia, TS Nguyễn Hữu Tâm nói, bia này có lời mở đầu rất hay và sâu sắc:

“Nghĩ rằng lửa nào mà không nóng? Nước nào mà không lạnh; Hoa nào mà nhụy chẳng tàn? Lá nào chẳng rụng về cội? Làm người phải có bổn phận thờ cúng người thân (cha, mẹ) tuy có hạn độ, nhưng tấm lòng thì vô cùng vậy!”

Từ bốn tấm bia có tên TÌNH HÚC này, tôi tin lời cụ Quỳnh Mai nói là từ xa xưa Tuyên Quang đã có một làng TÌNH HÚC thật. Nhưng làng ấy ở đâu, có từ bao giờ? Tại sao người xưa lại đặt tên xã là TÌNH HÚC? Tên xã Tình Húc biến đổi như thế nào theo thời cuộc? nay là xã, phường nào của thành phố Tuyên Quang?

Làng mà người xưa đến quần tụ ở bên dòng sông Lô này, buổi sáng sớm đã thấy mặt trời mọc lên sau dãy Trường Đà, lúc đó trời thường không một gợn mây, ánh bình minh trong trẻo luôn chiếu xuống làng giúp cây cối tốt tươi, con người mạnh khỏe, sống lâu và hạnh phúc... Có lẽ vì thế những người có học chữ nho, cao tuổi trong làng đã thống nhất đặt tên làng là TÌNH HÚC, có nghĩa là ánh sáng mặt trời trong trẻo chiếu xuống vùng đất này.

Ngày nay, nếu sáng sớm nhìn từ thành phố sang bên kia sông, ta sẽ thấy mặt trời rạng rỡ mọc lên từ sau dãy núi Tràng Đà chiếu những tia sáng trong trẻo đầu tiên xuống vùng đất này, nhưng không phải chỉ ngày nay, mà hàng vạn năm rồi mặt trời vẫn mọc và chiếu xuống vùng đất này như thế!

Để làm rõ tên TÌNH HÚC, chúng tôi đến Cục lưu trữ Quốc gia I và đã tìm thấy Tài liệu địa bạ tỉnh Tuyên Quang từ năm 1805 đến năm 1840, có kê tên các làng xã của tỉnh Tuyên Quang, trong đó tìm thấy địa bạ của làng TÌNH HÚC gồm 10 tờ, lập năm 1840 thời vua Minh Mệnh thứ 21, lúc này Tình Húc đã thuộc tổng Bình Ca, huyện Hàm Yên (Phúc Yên thời Lê) phủ Yên Bình.

Trong cuốn sách Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn của Cục lưu trữ quốc gia I cũng viết xã Tình Húc thuộc huyện Phúc Yên, phủ Yên Bình. Theo đó huyện Phúc Yên có 10 tổng, 61 xã, Tình Húc là một xã thuộc tổng Bình Ca. Xã này phía đông giáp với xã Lang Cải bản tổng, phía Tây giáp sông Lô, phía nam giáp xã Thiên Đông bản tổng, bắc giáp xã Trường Đà thuộc tổng Yên Lĩnh, huyện Phúc Yên.

Để thật sự yên lòng về việc tên làng TÌNH HÚC xuất hiện đầu thời nhà Nguyễn, chúng tôi đã đọc cuốn sách Địa danh làng xã Việt Nam thế kỷ 19 của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm; sách Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ của Viện Viễn Đông bác cổ, hai sách đều viết xã Tình Húc vẫn thuộc tổng Bình Ca thuộc phủ Yên Sơn, lúc này xã TÌNH HÚC có ghi thêm 1 thôn là thôn Viên Lâm, thôn này ở giữa sông, sau này dân hay gọi là Soi Lâm.

Theo các tài liệu lưu trữ tại trung tâm lưu trữ quốc gia, năm 1918 đồn điền Canh Nông được thành lập thuộc địa giới của xã Tình Húc thuộc tổng Bình Ca, phủ Yên Sơn. Năm 1945 xã Tình Húc sáp nhập với xã Viên Châu xóm Vạn Xuân, xóm Hà Ha thành xã An Phú. Đồn điền Canh Nông tách ra đổi tên thành xã Thượng Trứ thuộc tổng Bình Ca, phủ Quyết Thắng. Năm 1946 động Yên Lĩnh thuộc xã Yên Lĩnh sáp nhập với xã Đạo Viện và xã Tình Quang thành xã Phú Thịnh. Xã An Phú, xã Thượng Trứ, và xã Phú Thịnh thuộc huyện Yên Sơn. Năm 1948 xã An Phú sáp nhập với xã Thăng Long và xã Gia Tường thành xã An Tường. Năm 1952 xã Nông Tiến được thành lập trên cơ sở sáp nhập thôn TÌNH HÚC của xã An Tường với xã Thượng Trứ, lúc này xã Nông Tiến chỉ có 3 thôn là thôn Thượng, thôn Trung và thôn Hạ, tên xã và tên thôn Tình Húc cũng không còn.

Như vậy tên xã TÌNH HÚC xuất hiện trên địa bạ của triều đình nhà Nguyễn từ năm 1840, đến năm 1952 là 112 năm, thay vào đó là xã NÔNG TIẾN, nay là phường Nông Tiến, phường này phía đông giáp xã Thái Bình và xã Phú Thịnh của huyện Yên Sơn; phía tây giáp sông Lô là ranh giới với phường Tân Quang; phía nam giáp sông Lô là ranh giới với xã An Khang; phía bắc giáp xã Tràng Đà.

Ngày nay tuy tên TÌNH HÚC không còn được viết trong địa chí mới, nhưng nó mãi trường tồn trong lòng dân Tuyên Quang. Cây cầu đẹp nhất bắc qua dòng Lô Giang mang tên TÌNH HÚC, có nghĩa là cây cầu của ánh sáng trong trẻo lúc ban mai như một lời khẳng định TÌNH HÚC còn mãi trong lòng dân Tuyên Quang.

Theo TQĐT


Nguồn:thanhphotuyenquang.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 550
Hôm qua : 652