• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều chỉnh địa giới hành chính: Xung lực phát triển TP Tuyên Quang

Những năm qua, thành phố Tuyên Quang đã có những bước đột phá về thu hút đầu tư phát triển đô thị, với nhiều dự án giá trị của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Bởi vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo xung lực cho địa phương phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, việc xây dựng hồ sơ, đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố và thành lập phường thuộc thành phố Tuyên Quang đã được hoàn thiện. Việc điều chỉnh để phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến năm 2030; Nghị quyết số 37-NQ/TU, ngày 29-6-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) về đẩy mạnh quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố Tuyên Quang.


Xã Phú Lâm được quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng, trở thành phường Mỹ Lâm
thuộc thành phố Tuyên Quang vào năm 2020. Ảnh: Nam Thành


Thành phố Tuyên Quang được mở rộng về phía Tây và thành lập phường An Tường, phường Mỹ Lâm, phường Đội Cấn nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư và khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế về giao thông từ Quốc lộ 2, Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D, đường Hồ Chí Minh và đường kết nối Tuyên Quang với đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài để xây dựng thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020 và định hướng chiến lược trở thành đô thị loại I vào những năm tiếp theo. Ông Phạm Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang cho biết, việc điều chỉnh để mở rộng thành phố Tuyên Quang phù hợp với Đồ án quy hoạch chung thành phố Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030. Ban Chỉ đạo nghiên cứu rất kỹ trên cơ sở tính toán các yếu tố như quy hoạch về không gian, địa hình, lịch sử và văn hóa, tổ chức bộ máy các xã, phường có liên quan. Từ thực hiện các nội dung của đề án sẽ tạo luồng sinh khí mới cho phát triển của thành phố và các địa phương giáp ranh.

Theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết 1211/2016/NQ-UBTVQH13 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh phải đạt 5 tiêu chuẩn. Đối chiếu với quy định, thành phố Tuyên Quang còn thiếu 2 tiêu chuẩn là diện tích tự nhiên và tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính. Trên cơ sở thực trạng kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở của xã Đội Cấn, xã An Tường, xã Phú Lâm, thị trấn Tân Bình đã có bước phát triển, cần phải đổi mới mô hình quản lý phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa, đó là mô hình chính quyền đô thị.

Khi điều chỉnh, thành phố Tuyên Quang sẽ có diện tích tự nhiên 184,38 km2, dân số 191.118 người. Thành phố sẽ có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 10 phường (Minh Xuân, Phan Thiết, Tân Quang, Tân Hà, Hưng Thành, Ỷ La, Nông Tiến, An Tường, Mỹ Lâm, Đội Cấn) và 5 xã (Tràng Đà, Lưỡng Vượng, An Khang, Thái Long và Kim Phú). Khi đó sẽ giảm được 1 đơn vị hành chính cấp xã, giảm số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã; giảm chi phí ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác liên ngành Trung ương với UBND tỉnh khảo sát hiện trạng thành phố Tuyên Quang và khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành phố Tuyên Quang, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhất trí với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Tuyên Quang và thành lập phường thuộc thành phố Tuyên Quang. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh như những năm vừa qua, có rất nhiều tỉnh trên cả nước đã phải điều chỉnh địa giới hành chính đô thị tỉnh lỵ theo hướng mở rộng không gian. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý, khi mở rộng tỉnh cũng cần quan tâm đến những nội dung chi tiết liên quan đến đề án như việc hoàn thiện nâng cấp hạ tầng còn thiếu, còn yếu để đáp ứng với quy định; tiếp tục nâng tầm các tiêu chí đã đạt; đề án cần nêu bật được những định hướng phát triển không gian đô thị; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; giải pháp xử lý nước thải của thành phố; bổ sung phương án sắp xếp, sáp nhập các thôn xóm, tổ dân phố sau điều chỉnh và phương án sắp xếp tinh gọn đội ngũ cán bộ sau điều chỉnh; báo cáo đánh giá những tác động sau điều chỉnh địa giới hành chính; đề án thành lập huyện lỵ Yên Sơn cần thực hiện ngay để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc nhân dân đồng thuận với chủ trương lớn của tỉnh đã góp phần hoàn thiện hơn cho đề án triển khai thuận lợi, hiệu quả, từng bước phát triển thành phố với các tiêu chí đô thị loại II trong tương lai theo xu hướng phát triển chung của cả vùng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

theo:TQĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 526
Hôm qua : 613