• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2020), 80 năm Ngày thành lập chi bộ Mỏ than - chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (20/3/1940 - 20/3/2020), cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang tự hào ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng bộ thành phố với 65 năm xây dựng và trưởng thành

1- Giai đoạn 1946-1954 (trước khi thành lập Đảng bộ thị xã Tuyên Quang).
     Trong hoàn cảnh chung của cả nước, sau khi giành được chính quyền, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang cũng phải đương đầu với tình trạng thù trong giặc ngoài.
Ngày 22/8/1945, quân Nhật rút khỏi tỉnh lỵ Tuyên Quang. Ngày 25/8/1945, Quân đoàn 52 của Trung Hoa Quốc dân đảng từ Hà Giang kéo xuống chiếm đóng tỉnh lỵ và rải quân bố trí các vùng xung quanh.
Trước tình hình đó, với phương pháp đấu tranh kiên trì, mềm dẻo, tránh xung đột, biểu dương lực lượng thị uy sau 4 ngày đóng quân tại đô thị Tuyên Quang, quân Tưởng đã phải rút quân về Hà Nội, bọn phản động Việt quốc, Việt cách... cũng theo gót quan thầy rút khỏi Tuyên Quang.
Ngày 6/01/1946, cùng cả nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố Tuyên Quang ngày nay đã hăng hái tham gia cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tháng 5/1946, thị xã Tuyên Quang chính thức thành lập và trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện, chỉ có 02 khu phố Xuân Hòa và Tam Cờ, với diện tích khoảng 01 km2.
Bằng những nỗ lực phi thường, từ đầu năm 1946 trở đi, tình hình chung của thị xã Tuyên Quang có chuyển biến khả quan: chính quyền cách mạng được giữ vững và củng cố thêm mọi mặt; nạn đói, nạn dốt bị đẩy lùi một bước quan trọng; bọn phản động bị trấn áp; sản xuất nông nghiệp được khôi phục và có mặt phát triển hơn trước.
Không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp liên tiếp xâm phạm trắng trợn chủ quyền độc lập dân tộc của nước ta. Trước tình hình đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Với địa thế hiểm yếu, cơ sở cách mạng vững chắc, Tuyên Quang trở thành một trong những trung tâm căn cứ địa cách mạng Việt Nam. Đầu tháng 3/1947, các cơ quan Trung ương lần lượt chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc.
Thị xã Tuyên Quang trở thành cửa ngõ phía Tây của An toàn khu. Vừa xây dựng hậu phương vững mạnh, quân và dân thị xã Tuyên Quang đã phối hợp chiến đấu đẩy lùi các cuộc tiến công quân sự của địch như chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, cuộc hành binh Pô môn tháng 5/1949, góp phần bảo vệ vững chắc căn cứ địa Việt Bắc.
Tháng 5/1948, do yêu cầu thực tế tình hình kháng chiến, thị xã Tuyên Quang tạm thời giải thể. Nhân dân thị xã Tuyên Quang thực hiện nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến và tản cư ở nhiều nơi, nhưng sống chủ yếu ở 02 địa điểm Ghềnh Quýt và Cây Đa Nước Chảy (thuộc Yên Sơn).
Ngày 19/8/1949, Chi bộ Đường Phố được thành lập tại Miếu Cô (thị xã Tuyên Quang), gồm 15 đảng viên, do đồng chí Vũ Triệu là Bí thư. Chi bộ Đường Phố có hai tổ đảng, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào ở hai khu phố Ghềnh Quýt và Cây Đa Nước Chảy. Đến cuối năm 1949, Chi bộ Đường phố đã có 32 đảng viên.
Tháng 4/1952, trên cơ sở địa giới hành chính của thị xã Tuyên Quang (cũ) và hai khu phố Ghềnh Quýt, Cây Đa Nước Chảy, xã Tân Quang được thành lập, trực thuộc huyện Yên Sơn. Chi bộ Đường Phố được đổi tên là Chi bộ xã Tân Quang .
Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", nhiều con em của thị xã đã xung phong tòng quân. Trong những năm kháng chiến, thị xã Tuyên Quang đã huy động, trưng tập 3 đợt xe đạp thồ hàng, phục vụ tiền tuyến mỗi đợt hàng trăm xe đi từ 3 đến 6 tháng. Hàng ngàn lượt người đã tham gia đi dân công làm đường giao thông, vận chuyển lương thực và súng đạn ra tiền tuyến.
Ngày 07/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, làm thất bại hoàn toàn những cố gắng cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ trong việc tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954, quân và dân thị xã Tuyên Quang đã góp nhiều ngày công và lương thực, thực phẩm… để thực hiện chính sách đối với tù hàng binh địch.
2- Giai đoạn 1954 - 1975
     Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; việc khẩn trương tái thiết thị xã Tuyên Quang, khôi phục và phát triển công thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng thị xã thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Ngày 15/02/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 460-TTg về giải tán xã Tân Quang và tái lập thị xã Tuyên Quang. Địa giới bao gồm thị xã Tuyên Quang cũ và 02 thôn Minh Tân, Cầu Lườn của xã Ỷ La (huyện Yên Sơn). Thị xã Tuyên Quang gồm 05 khu phố là Minh Tân, Xã Tắc, Tam Cờ, Xuân Hòa, Quang Trung với dân số trên 7.500 người.
Tháng 10/1955, Tỉnh ủy quyết định thành lập Chi bộ thị xã Tuyên Quang với 40 đảng viên, đồng chí Phạm Mạnh Quỳ làm Bí thư, trực tiếp lãnh đạo mọi mặt công tác của thị xã trước khi Đảng bộ thị xã và Ban Thị ủy được thành lập. Giữa năm 1956, Đảng bộ thị xã Tuyên Quang được thành lập. Tháng 01/1959, Đại hội Đảng bộ thị xã Tuyên Quang lần thứ I được diễn ra.
Sau khi tái lập thị xã Tuyên Quang, Đảng bộ và nhân dân thị xã Tuyên Quang tập trung ổn định tình hình an ninh trật tự, góp phần bảo đảm hoạt động của các cơ quan lãnh đạo tỉnh; khẩn trương khôi phục, sửa chữa đường giao thông, cầu, cống, nhà cửa và các hoạt động kinh tế - xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của địch, trong đó, thực hiện tốt các nhiệm vụ: Chống địch dụ dỗ cưỡng ép giáo dân về xuôi và di cư vào Nam; cứu đói, phục hồi sản xuất, phát triển phong trào đổi công; khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân; cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội (1958 - 1960); thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965); chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1968).
Ngày 20/3/1961, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và thị xã Tuyên Quang vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, làm việc và nói chuyện với đồng bào trong tỉnh, nhân dân thị xã Tuyên Quang tại sân vận động thị xã.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và ủng hộ, chi viện cho tiền tuyến, thực hiện nghị quyết của tỉnh, thị xã Tuyên Quang đã tổ chức kết nghĩa với thị xã Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) và thị xã Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) ; từ đó có nhiều hoạt động giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, văn hóa, khắc phục hậu quả thiên tai và ủng hộ đồng bào miền Nam, nhân dân thị xã Phan Thiết trong kháng chiến chống đế quốc Mĩ và tay sai.
Ngày 26/7/1968, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 119/CP sáp nhập các xã Ỷ La, Hưng Thành, Nông Tiến, Tràng Đà (huyện Yên Sơn) về thị xã Tuyên Quang. Từ đó đến tháng 9/2008, thị xã Tuyên Quang có 3 phường (Tân Quang, Minh Xuân, Phan Thiết) và 4 xã (Ỷ La, Hưng Thành, Nông Tiến, Tràng Đà) với 206 xóm, tổ dân phố. Tổng diện tích tự nhiên 43,94 km2.
Từ 1969-1972, thực hiện khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ và quân, dân thị xã Tuyên Quang đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời đối phó và khắc phục hậu quả của hai trận lụt lớn, ra sức xây dựng hậu phương, đóng góp sức người, sức của chi viện tiền tuyến.
Ngày 30/4/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi. Ngày 15/5/1975, thị xã Tuyên Quang tổ chức lễ mít tinh mừng chiến thắng với gần 3 vạn người và cờ hoa, biểu ngữ.
Trong 3 năm (1973-1975), Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước: 17 Bảng vàng danh dự, 477 Bảng gia đình vẻ vang, 107 danh hiệu chiến sĩ thi đua và 1.835 cá nhân đạt lao động tiên tiến. Ủy ban hành chính tỉnh tặng 130 Bằng khen, 1.449 giấy khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc. Đặc biệt, năm 1974 thị xã Tuyên Quang vinh dự được Chính phủ trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.
3- Giai đoạn 1976 - 1991
     Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên; đến quý II năm 1976, các cơ quan của tỉnh đã hoàn thành việc tập kết tại thị xã Hà Giang, tỉnh lỵ của tỉnh mới Hà Tuyên. Từ ngày 17/02/1979, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, Hà Tuyên trở thành tỉnh tuyến đầu. Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh từ thị xã Hà Giang chuyển về thị xã Tuyên Quang. Như vậy, trong điều kiện chiến tranh, thị xã Tuyên Quang đã đảm nhiệm vai trò trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong những năm 1979 - 1985, Đảng bộ thị xã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng với quân và dân các dân tộc trong tỉnh anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, với quyết tâm cao và định hướng đúng, sản xuất thủ công nghiệp ở thị xã được giữ vững, đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng xuất khẩu như tăm mành, các mặt hàng mới phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy tuốt lúa, xây dựng cơ sở dệt xô màn hiệu quả cao. Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, từng bước nâng cao đời sống xã viên, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước.
Năm 1981, thị xã được tỉnh chọn để chỉ đạo điểm việc thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1981 thị xã giao nộp cho nhà nước 341 tấn, năm 1983 giao nộp được 723 tấn, tới năm 1985 tăng lên 1000 tấn lương thực.
Bước sang năm 1986, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Tuyên Quang cùng cả nước, bắt tay vào thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng. Đảng bộ đã lãnh đạo giữ vững sản xuất, ổn định chính trị, sáng tạo trong thực hiện nghị quyết, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý kinh tế đối với cơ sở, thúc đẩy sản xuất phát triển. Năm 1988, thị xã thực hiện, khoán sản phẩm đến tận hộ, khoán đơn giá và thanh toán gọn theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị. Năm 1989, năng suất lúa hai vụ đạt 7,26 tấn/ha, diện tích gieo trồng tăng 10 - 15%. Thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt, quyền làm chủ của người lao động được phát huy.
Giai đoạn 1976 - 1991 là giai đoạn đầy khó khăn, trở ngại của thời kỳ sau chiến tranh, trong điều kiện đất nước vừa phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phía Bắc, kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng, địa phương cũng có nhiều khó khăn, thách thức trên mọi lĩnh vực, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Tuyên Quang đã phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, khắc phục khó khăn để giành những thành tích và kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh. Những kết quả đạt được về kinh tế, xã hội của thị xã trong giai đoạn này là thuận lợi cơ bản để Đảng bộ và nhân dân thị xã tiếp tục bước sang giai đoạn mới, trên con đường xây dựng quê hương giàu đẹp.
4- Giai đoạn từ năm 1991 đến nay
     Bước vào những năm 90 của thế kỷ XX, đời sống nhân dân cơ bản đã ổn định, không còn tình trạng thiếu đói ở một số vùng nông thôn, đã khắc phục đáng kể tình trạng khan hiếm hàng tiêu dùng. Kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bước đầu hình thành.
Căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 9 quyết định tách tỉnh Hà Tuyên, tái lập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang. Thị xã Tuyên Quang trở lại là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang.
Trong giai đoạn này, Đảng bộ thị xã Tuyên Quang đã chủ động nắm thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển kinh tế nhiều thành phần, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thủ công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông, lâm nghiệp, đẩy nhanh tốc độ kiến thiết đô thị theo quy hoạch, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân; tích cực bài trừ tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống văn hoá đô thị giàu bản sắc dân tộc...
Ngày 03/9/2008, Chính phủ có Nghị định số 99/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Sơn để mở rộng thị xã Tuyên Quang và thành lập một số phường thuộc thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; theo đó, sáp nhập 05 xã (An Tường, Lưỡng Vượng, An Khang, Thái Long và Đội Cấn) về thị xã Tuyên Quang; thành lập 04 phường mới (Ỷ La, Tân Hà, Nông Tiến, Hưng Thành). Sau khi điều chỉnh, thị xã Tuyên Quang có 13 đơn vị hành chính, gồm 07 phường (Tân Quang, Phan Thiết, Minh Xuân, Ỷ La, Tân Hà, Nông Tiến, Hưng Thành) và 06 xã (Tràng Đà, An Tường, Lưỡng Vượng, An Khang, Thái Long, Đội Cấn); có diện tích tự nhiên 11.917,45 ha và 90.793 nhân khẩu. Năm 2009, thị xã Tuyên Quang được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại III. Ngày 02/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về việc thành lập thành phố Tuyên Quang thuộc tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Tuyên Quang.
Quá trình xây dựng, phát triển, Đảng bộ thành phố và nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang với truyền thống anh hùng, đoàn kết, đã nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế của thành phố tiếp tục phát triển; công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Hoạt động dịch vụ, du lịch dần phát huy vai trò ngành kinh tế quan trọng, du lịch trở thành trung tâm trong các ngành dịch vụ. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng sản phẩm chủ lực. Tập trung kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, làm nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên; 5/5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, lễ hội và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm, tạo dấu ấn đặc sắc; Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành sản phẩm du lịch riêng có của tỉnh Tuyên Quang; các thôn, xóm, tổ có nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên. Hệ thống trường, lớp học được đầu tư khang trang; luôn giữ vị trí dẫn đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh. Các trạm y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Công tác giảm nghèo đạt được kết quả vượt bậc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Là đô thị trung tâm của tỉnh, thành phố đã tập trung hoàn thành Quy hoạch chung đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030; triển khai các quy hoạch chi tiết phân khu chức năng; các đề án, chương trình phát triển thành phố đạt tiêu chí đô thị loại II và định hướng trở thành đô thị loại I trong tương lai. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại; diện mạo đô thị khởi sắc, khang trang; trên địa bàn thành phố có nhiều công trình lớn như: công trình Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu vực quảng trường Nguyễn Tất Thành; Trung tâm thương mại, nhà phố Shophouse (tập đoàn Vingroup), Khách sạn Mường Thanh (tập đoàn Mường Thanh)... và các công trình trọng điểm đang được đầu tư xây dựng như: cầu Tình Húc; đường giao thông Trung tâm Hành chính thành phố (giai đoạn 2); chuẩn bị các bước để xây dựng đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Lào Cai - Nội Bài...
Chú trọng thực hiện xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người thành phố Tuyên Quang văn minh, thanh lịch, thân thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Duy trì và phát huy có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư ... Những vấn đề nhân dân quan tâm như: công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo... được cấp ủy, chính quyền thành phố chỉ đạo, giải quyết kịp thời thông qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, tạo đồng thuận cao trong nhân dân.
Chú trọng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới; phát huy có hiệu quả tinh thần đoàn kết, dân chủ, sức sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.
Với những thành tích trong kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc và tiếp tục phát huy trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, năm 2000, cán bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang thị xã Tuyên Quang được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2004, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2010 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 816/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Tuyên Quang; trong đó nhập thêm xã Kim Phú, Phú Lâm và thị trấn Tân Bình (thuộc huyện Yên Sơn) vào thành phố; thành lập phường Đội Cấn trên cơ sở xã Đội Cấn và thị trấn Tân Bình; thành lập phường Mỹ Lâm trên cơ sở xã Phú Lâm; thành lập phường An Tường trên cơ sở xã An Tường. Sau điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thành lập 03 phường thuộc thành phố Tuyên Quang, thành phố Tuyên Quang có 184,38 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 191.118 người; có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường (Tân Quang, Minh Xuân, Phan Thiết, Ỷ La, Tân Hà, Hưng Thành, Nông Tiến, An Tường, Đội Cấn, Mỹ Lâm) và 5 xã (Tràng Đà, Lưỡng Vượng, An Khang, Thái Long, Kim Phú). Cùng với kết quả đạt được qua các thời kỳ, khi địa giới hành chính được mở rộng, nguồn lực tài nguyên, đất đai được tăng cường…, là điều kiện hết sức thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân thành phố Tuyên Quang tiếp tục phấn đấu xây dựng thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại II và ngày càng phát triển.
*
* *
     Thành tựu đạt được, những kinh nghiệm rút ra trong chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển là vô cùng quí báu đối với sự phát triển của thành phố trong hiện tại và tương lai. Đó là nền tảng, là tiền đề tạo nên sức mạnh mới để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách; không ngừng đổi mới, sáng tạo; xây dựng thành phố Tuyên Quang phát triển bền vững, xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh; góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

                                                                                                        Bài, ảnh: Ban biện tập Trang thông tin điện tử thành phố
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Thành phố mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 579
Hôm qua : 681